Cứu đàn cá kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Phải chung tay bảo vệ

30/10/2016 08:34 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc tỏ ý kiến đồng tình với việc cần phải bảo vệ đàn cá, làm sạch môi trường kênh, sau khi Thanh Niên ngày 29.10 đăng bài Cứu đàn cá kênh Nhiêu Lộc .

Cân bằng sinh thái ở dòng kênh
Tôi khá bất ngờ khi biết được có một công trình nghiên cứu khoa học về việc bảo vệ đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN). Tôi không có chuyên môn và không rõ công trình nghiên cứu này có giá trị ra sao, nhưng về mặt ý nghĩa, tôi rất trân trọng. Phải có nhiều công trình nghiên cứu như thế này để dòng kênh ngày một xanh, sạch, đẹp hơn.
Riêng nghiên cứu đầu tiên này, cơ quan liên quan nên sớm có đánh giá nghiệm thu để trình UBND TP xem xét. Nếu công trình tốt thì áp dụng vào thực tế, cải thiện tình trạng ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái ở dòng kênh này.
Mai Hồng Hải (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Có phương án xử lý nước hiệu quả
Cá chết hàng tấn trên kênh NL-TN là một điều rất đáng tiếc. Mỗi khi nhìn thấy cá chết trắng kênh ai cũng xót xa và lắc đầu bảo kênh vẫn chưa hết ô nhiễm. Mà rõ ràng, trong các kết luận trước đó về nguyên nhân cá chết mà TP.HCM đưa ra vẫn là nguồn nước ô nhiễm nặng ở đoạn đầu kênh. Để dòng kênh hết bị ô nhiễm, cách tốt nhất vẫn là lưu thông kênh với các kênh tự nhiên hoặc thông với các dòng chảy tự nhiên. Nếu điều này không thể thực hiện được thì cần phải có phương án xử lý nước hiệu quả.
Huỳnh Văn Trọng (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Giám sát nguồn nước thải ra kênh
Cứ đầu mùa mưa là cá lại chết trắng trên kênh. Theo một số hộ dân giàu kinh nghiệm sống ở ven kênh thì cá chết là do nước trên kênh không liên thông với sông hay kênh rạch tự nhiên khác, ở đầu kênh (đoạn qua Q.Tân Bình), kênh NL-TN toàn thông với cống thoát nước thải. Lượng chất độc tích tụ lâu ngày ở các cống thoát nước theo dòng chảy mạnh của các cơn mưa đổ xuống kênh khiến cá chết. Bên cạnh đó, rất có thể nhiều đơn vị, công ty lợi dụng trời mưa xả thải ra cống thoát nước khiến cá chết hàng loạt. Như vậy, một giải pháp cần phải tính đến nữa là xử lý thật tốt lượng nước thải từ cống thoát nước ra kênh.
Vũ Minh Nguyệt (Q.Tân Bình, TP.HCM)

tin liên quan

Thản nhiên chèo ghe chích điện bắt cá ở... Sài Gòn
Dòng nước đen ngòm của những dòng kênh đang từng bước được cải tạo. Các loài cá sinh sống dưới lòng kênh là một phần quan trọng của việc này, thế nhưng tình trạng chích điện để bắt cá vẫn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật...
Bổ sung ô xy cho cá
Tôi tán thành phương pháp bổ sung ô xy cho cá trên kênh bằng cách phun nước dọc tuyến kênh. Hiện kênh NL-TN đã khá xanh, đẹp trong mắt người dân và du khách. Nếu dọc kênh có phun nước kết hợp với chiếu đèn màu khi phun nước nữa thì tuyệt lắm. Việc phun nước vừa tạo cảnh quan, vừa giúp bổ sung ô xy cho cá, lợi cả đôi đường. Một khi kênh đã sạch, đẹp thì ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan của dòng kênh càng được nâng cao.
Hồ Thu Ngân (Q.7, TP.HCM)
Tuyên truyền
Nếu tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của đề tài này thì cơ quan quản lý kênh NL-TN cần có phương án giảm số lượng cá rô phi. Bên cạnh đó, cần vận động người dân thả phóng sinh các loại cá mà công trình nghiên cứu khuyến cáo. Việc làm này giúp cân bằng sinh thái, chủng loại cá trên kênh. Người dân TP không tiếc gì khi bỏ tiền thả những loại cá có lợi xuống dòng kênh. Nếu được tuyên truyền, kêu gọi thì tôi sẽ là người đầu tiên thả những loại cá mà đề tài nghiên cứu này khuyến khích xuống kênh.
Nguyễn Ngọc Xuân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
       
Để có dòng kênh sạch, đẹp như hiện nay là nỗ lực lớn từ chính quyền và người dân TP. Do đó, những giải pháp mới, hoàn hảo để bảo vệ đàn cá, môi trường trên dòng kênh là điều cần khuyến khích. Kênh xanh, đẹp với đàn cá lội tung tăng, khỏe mạnh là điều người dân ai cũng mong chờ ở dòng kênh đã hồi sinh này.
Nguyễn Hoài Khanh (Q.4, TP.HCM)
       
Về lâu dài thì TP cần đầu tư hệ thống xử lý triệt để nguồn nước thải. Nước thải phải không còn ô nhiễm trước khi chảy ra kênh thì kênh mới sạch và cá mới sống được. Bên cạnh đó cần có sự quản lý đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tái tạo trên kênh.
Đinh Trúc Ly (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.