THẾ NGUYỄN KIM HẰNG VÀO GIỜ CHÓT
Năm 1942 khi cùng gia đình sinh sống tại Kompong Cham (Campuchia), Mai Văn Hòa đã thắng được vô địch Đông Dương Adi Trần Liên Lợi để giành chức vô địch Campuchia khi mới 15 tuổi. Đến năm 1947, ông về Sài Gòn và trong hơn 10 năm sau đó tiếp tục đạt nhiều thành tích đáng nể phục như: 2 HCV đơn nam Á châu (1953, 1954), 2 HCV đôi nam Á châu (với Trần Cảnh Được – năm 1953, 1957), HCV đồng đội nam châu Á 1957, hạng 5 đồng đội nam thế giới 1957… Tuy vậy, những trận đấu của ông diễn ra ở Á vận hội lần 3 tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) cuối tháng 5.1958 mới thật sự là “điểm son” đặc biệt với bóng bàn toàn cầu. Lúc đó, ông và các đồng đội trong đội tuyển miền Nam Việt Nam chiến thắng đội ĐKVĐ thế giới Nhật Bản ngay tại đất nước hoa anh đào của họ để đoạt HCV đồng đội nam và đôi nam. Chính Mai Văn Hòa đã làm khán giả nhà thực sự buồn đau khi anh thắng ĐKVĐ đơn nam thế giới Tanaka 2-0 (21/17, 21/18) ở trận đấu thứ 8 (theo thể thức Swaythling) để giúp đội Việt Nam thắng chung cuộc đội Nhật Bản với tỷ số 5-3.
Có điều, ít người biết rằng trước đó Mai Văn Hòa không có tên tham dự Á vận hội Tokyo 1958. Mỗi lần xuất ngoại, Tổng cuộc bóng bàn (TCBB) miền Nam đều cho thi đấu trong các VĐV có đẳng cấp để tuyển chọn người tham dự. Lê Văn Tiết là người duy nhất được ưu tiên chọn mà không cần thi đấu vì anh là đương kim vô địch quốc gia (năm 1957), 3 người có thứ hạng cao nhất qua tuyển chọn năm 1958 là Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu và Nguyễn Kim Hằng được đưa vào danh sách chính thức. Khi biết danh sách không có Mai Văn Hòa – thời điểm đó làm việc ở Tổng Nha Thanh niên (cơ quan quản lý nhà nước, tương tự Tổng cục TDTT hiện nay) - vì kết quả thi đấu tuyển chọn của ông Hòa xếp sau Nguyễn Kim Hằng, lãnh đạo Tổng Nha Thanh niên lúc đó là Cao Xuân Vỹ đã gây áp lực, buộc TCBB phải ghi tên Mai Văn Hòa vào.
Trong hồi ký của mình, ông Đinh Văn Ngọc - Chủ tịch TCBB miền Nam lúc đó - kể lại: “Thế là sóng gió bùng lên. Tổng Nha tìm mọi cách ngăn cản để đoàn tuyển thủ bóng bàn không được lên đường, nếu không có mặt Mai Văn Hòa. Cuối cùng để tránh sự đổ vỡ, tôi khuyến cáo anh em trong ban chấp hành tạm thời nhượng bộ, tuy nhiên danh nghĩa đi thi đấu của Mai Văn Hòa là "vớt thêm" chứ không phải là do tuyển chọn".
Khi có mặt đầy đủ tại Tokyo, ông Ngọc duyệt lại một lần nữa, cân nhắc từng cá nhân từ tâm lý thi đấu, tài ba đến kinh nghiệm và phải còn ăn ý khi đánh đôi. Nguyễn Kim Hằng tuy xếp cao hơn trong thi tuyển, nhưng về kinh nghiệm quốc tế bị nhận xét là yếu hơn nhiều so với Mai Văn Hòa. Thế là ông Ngọc bàn với thủ quân Chu Văn Sáng, thay vì ý định trước là chọn ông Hằng thì để ông Hòa đánh chính thức. Quyết định này bị ông Hằng phản ứng rất mạnh, nhưng “Vì danh dự của đất nước, tôi vẫn giữ nguyên quyết định mới này”, ông Ngọc đã viết trong hồi ký như thế.
|
Đúng như nhận định của ông Ngọc, đội Việt Nam đoạt vô địch đồng đội nam, trong đó có công lớn của Mai Văn Hòa. Cũng ở Á vận hội 1958, đôi nam Mai Văn Hòa – Trần Cảnh Được còn đoạt thêm HCV thứ hai sau khi thắng đôi Li Kou Tin – Son Yin (Trung Quốc) ở chung kết. Rõ ràng thực tài của Mai Văn Hòa đã hóa giải tất cả. Chính ông Đinh Văn Ngọc cũng thừa nhận “Sự thay đổi của tôi, được hầu hết tuyển thủ cũng như ghi nhận là đúng như sự lượng định, để đạt được chiến thắng vẻ vang cho đất nước chứ không phải do áp đặt của Tổng Nha”.
MỞ CỬA VÀO ĐẤU TRƯỜNG THẾ GIỚI
Với lối cắt bóng phòng thủ kiên trì, ngay từ năm 1948 tại Sài Gòn, Mai Văn Hòa đã có trận thắng 3-2 trước tay vợt số 2 của Pháp là Amouretti. ó lẽ nhờ chính trận thắng này nên cánh cửa vào đấu trường thế giới đã mở toang cho bóng bàn Việt Nam. Dù chưa gia nhập TCBB quốc tế (năm 1952 mới là thành viên chính thức) nhưng chính phủ Pháp có cảm tình qua trận thắng nói trên của Mai Văn Hòa đã quyết định tài trợ và cho đội tuyển nam VN thi đấu dưới màu cờ… nước Pháp.
Cuối tháng 1.1950, lần đầu tiên các tay vợt Việt Nam như Mai Văn Hòa, Trần Quang Nhụy, Phó Đức Huy, Mai Văn Chất và Trần Văn Liễu đã có mặt tại Budapest (Hungary) để dự tranh ở Giải vô địch thế giới (VĐTG) lần 17. Sau lần đầu không có thành tích, ở giải lần 18 tại Vienne (Áo) vào năm 1951, đội nam Việt Nam đã có thứ hạng 7/24 nước. Tám năm sau, đội tuyển miền Nam Việt Nam với Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được và Trần Văn Liễu vươn lên mạnh mẽ và đoạt HCĐ ở giải VĐTG 1959 tại Tây Đức. Cũng từ thành tích này, Lê Văn Tiết được xếp hạng 6 và Mai Văn Hòa hạng 12 của TCBB thế giới.
|
Năm 1961, Mai Văn Hòa còn được tay vợt người Anh Richard Bergmann (4 lần VĐTG) mời tham dự đoàn bóng bàn nhà nghề đi thi đấu biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Cùng tham dự đoàn này còn có các danh thủ Satoh (Nhật Bản – VĐTG 1952), Leach (Anh – VĐTG 1949, 1951), Ogimura (VĐTG 1954, 1956)… Rất tiếc, sau gần 20 năm cầm vợt đem lại nhiều thành tích vang dội cho bóng bàn Việt Nam, ông Mai Văn Hòa đã ra đi vĩnh viễn vì một tai nạn giao thông trong tháng 5.1971, khi ông mới 44 tuổi.
Tuy đã giã từ cõi trần 49 năm, danh thủ Mai Văn Hòa vẫn còn được người hâm mộ tiếp tục nhắc nhở với niềm kính phục khi ông và các đồng đội trong đội tuyển miền Nam VN đã làm vang danh bóng bàn VN ra thế giới. Đến nay, các thế hệ họ Mai tiếp nối ông Hòa đều là những tay vợt nổi tiếng trong làng banh nhựa đất nước.
Đầu tiên là người cháu Mai Văn Minh kêu ông Hòa bằng cậu đã từng ở trong tuyển quốc gia trước năm 1975, cùng với danh thủ Huỳnh Văn Ngọc vào bán kết đôi nam tại Asiad 1974. Các em ruột của ông Minh là Mai Văn Giót, Mai Văn Quang, Mai Văn Lê đều có công đào tạo con cháu mình giữ vững truyền thống họ Mai như Mai Xuân Hằng (con ông Minh) thắng Ngô Thu Thủy 4-1 để lên ngôi vô địch đơn nữ quốc gia năm 2005 và nhiều năm sau đó có trong đội tuyển quốc gia, Mai Hoàng Mỹ Trang (con ông Quang) với hơn 10 lần vô địch đơn nữ quốc gia, Mai Tú Uyên (con ông Lê) với thành tích mới nhất là vào bán kết đơn nữ (thua Mỹ Trang) và á quân đôi nữ quốc gia 2020.
|
|
|
|
Bình luận (0)