Với mỗi người dân bình thường, đầu tư nhà máy lọc dầu đều khiến họ nghĩ đến một ngày không xa, họ sẽ được mua xăng dầu rẻ hơn. Với một nước có dầu như VN, kỳ vọng hưởng lợi từ nhà máy lọc dầu càng nhiều hơn.
Thế nhưng trái với kỳ vọng này, kể từ khi đi vào vận hành đến nay, năm nào Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng lỗ. Con số lỗ cứ tịnh tiến, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2010 lỗ 3.186 tỉ đồng thì đến năm 2014 con số lỗ đã lên tới 7.136 tỉ đồng. Tính đến năm 2015, số lỗ lũy kế đã lên tới trên 27.000 tỉ đồng nếu không được ưu đãi. Còn nếu trừ đi các ưu đãi, đơn vị này cũng vẫn lỗ 1.048 tỉ đồng. Nói thẳng ra là kiểu gì cũng lỗ. Lỗ thì tất nhiên, chẳng bao giờ có xăng rẻ hơn xăng nhập khẩu cả.
Tại sao một nhà máy với vốn đầu tư lên tới 5 tỉ USD, được hưởng rất nhiều ưu đãi mà chỉ thấy lỗ hoàn lỗ? Có nhiều lý do nhưng về cơ bản, vẫn là năng lực kém, hiệu quả kém. Chẳng phải so sánh đâu xa, lấy ngay các nước mà ta đang nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, như Singapore làm ví dụ. Họ không có dầu thô làm nguyên liệu nên phải nhập khẩu, các doanh nghiệp của họ cũng phải đóng thuế cho nhà nước, xuất sang VN phải chịu chi phí vận chuyển, thuế... vậy mà giá vẫn hấp dẫn hơn xăng dầu "lọc" trong nước. Vậy thì rõ ràng là năng lực kém rồi. Mà năng lực kém, không cạnh tranh nổi thì phải chấp nhận nhường cuộc chơi cho người khác. Đó là nguyên tắc thị trường. Anh không thể tồn tại bằng cách kêu cứu hay “hăm dọa” như cách mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang làm.
Nếu đặt ra bối cảnh này sẽ thấy, đơn kêu cứu Dung Quất của Tập đoàn dầu khí VN là hết sức vô lý. Nếu tiếp tục "cứu", hãy trả lời cho người dân, những người đang gánh lỗ cho nhà máy này, câu hỏi: cứu để làm gì? Nếu được cứu, bao giờ người dân được mua xăng dầu giá rẻ hơn từ nhà máy này? Nói như một bạn đọc, rau nhà, gà vườn, người mua sẵn, vậy mà còn lỗ thì cứu để làm gì. Đúng thế, cứu để tiếp tục lỗ (mà khả năng này là chắc chắn) thì xin thôi. Người dân chịu thế đủ rồi. Còn nếu cho ngưng, việc này cũng chẳng phải ngoại lệ, tiền lệ gì cả. Mấy năm gần đây, việc doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động là rất nhiều. Thống kê mỗi năm cũng có tới vài chục ngàn doanh nghiệp không trụ lại được, phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi. Đó là một sự sòng phẳng cần thiết. Nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập ngày càng sâu - rộng với kinh tế thế giới, chúng ta phải thực hiện và tôn trọng những nguyên tắc thị trường.
Với đề nghị chỉ đạo Petrolimex mua xăng dầu Dung Quất của Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) cũng tương tự. Mua ở đâu là quyền tối thiểu của doanh nghiệp. Kinh tế thị trường là thuận mua vừa bán. Đó là chưa kể, chúng ta luôn đòi mua xăng rẻ thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bắt doanh nghiệp đầu mối mua ở chỗ đắt hơn.
Chuyện của Dung Quất, tốt nhất là cứ để thị trường tự xử theo luật của thị trường.
Bình luận (0)