'Cứu' doanh nghiệp

Anh Vũ
Anh Vũ
09/04/2020 14:17 GMT+7

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang lâm tình cảnh bi đát: không thị trường, không đầu ra, không tiền trả lương, hàng tồn kho tăng, nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm...

Vòng xoáy khủng khiếp liên tiếp, dồn dập do đại dịch Covid-19. Trước khó khăn chồng chất đó chúng ta đã tung ra các gói cứu trợ. Đầu tiên là gói giãn thuế, giãn đóng tiền thuê đất. Ngồi tâm sự với chúng tôi, TS Ngô Trí Long - người có mấy chục năm theo dõi mảng tài chính cũng rất trăn trở.
Ông Long phân tích: Gói giảm lãi suất có thiết thực không? Tất nhiên là có nhưng giảm 1 - 2%/năm trong khi lãi suất vay vẫn ở mức 7 - 8%/năm ngắn hạn và gần 10%/năm dài hạn thì tiền đâu để doanh nghiệp trả nợ? Không trả được thì nợ xấu, không được vay tiếp, không có tiền duy trì sản xuất kinh doanh phải đóng cửa và ngân hàng cũng khó tránh thua lỗ.
Lúc này, điều mà doanh nghiệp mong muốn nhất là được giảm thuế, thậm chí miễn thuế chứ không chỉ giãn, hoãn, kéo dài ra như Bộ Tài chính dự thảo (giãn 3 tháng khoảng 180.000 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp sau đó vẫn phải nộp lại trong năm tài chính 2020).
Ngân sách khó khăn, nhưng chúng ta cũng không thể vì sợ thất thu mà không cứu doanh nghiệp. Bao năm nay doanh nghiệp đã đóng thuế thu nhập lên tới hơn 20%. Giờ là lúc nhà nước cần phải “mở kho” để miễn giảm thuế, phí cứu doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải giãn, hoãn.
Và còn đó câu chuyện lãi suất. Chúng ta lâu nay vẫn kêu gọi giảm, thực tế kết quả không đáng kể. Vốn của nền kinh tế 70% bơm từ ngân hàng, giảm 1 đồng lãi là tiếp thêm được giọt máu. Tổng lợi nhuận ngân hàng mỗi năm lên tới hàng tỉ USD thì giờ nhà băng cũng nên đồng hành, chia sẻ giảm mạnh hơn nữa. Lạm phát thấp thì hạ lãi suất huy động để giảm chi phí vốn, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bằng các nghiệp vụ như tái cấp vốn, chiết khấu giấy tờ có giá với mức lãi suất thấp để giúp nhà băng có vốn rẻ cho doanh nghiệp vay. Mức lãi mà doanh nghiệp cần sống được đâu đó phải giảm thêm được 4 - 5% nữa, doanh nghiệp mới có cơ may sống sót.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.