Ngày 29.11, ngày thứ 2 xét xử vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo và người liên quan.
Cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM không thừa nhận gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng |
Bị cáo Nguyễn Minh Khải |
NHẬT THỊNH |
Trả lời các câu hỏi chủ tọa phiên tòa, bị cáo Nguyễn Minh Khải (50 tuổi, cựu Giám đốc Bệnh viện - BV Mắt TP.HCM) trả lời, hành vi theo cáo trạng không oan sai nhưng bị cáo cho rằng, sai phạm là do quá trình thực hiện đấu thầu, nhận thức của bị cáo là muốn chọn sản phẩm thủy tinh thể tốt nhất cho bệnh nhân, căn cứ vào ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu.
Thành lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu theo tư vấn
Bị cáo Khải trình bày, với gói thầu “mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”, bị cáo thành lập: bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định căn cứ theo luật Đấu thầu; và Hội đồng đánh giá hàng mẫu được thành lập theo tư vấn của bà Đoàn Thị Tường Vân - là nhân viên tư vấn phòng vật tư, trang thiết bị.
Theo bị cáo Khải, việc thành lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu luật Đấu thầu không quy định nhưng pháp luật cũng không cấm.
Theo hồ sơ, sau khi Hội đồng đánh giá hàng mẫu chấm đạt về yếu tố kỹ thuật đối với thủy tinh thể của nhà thầu Codupha, bị cáo Khải đã yêu cầu và định hướng để hội đồng đánh giá lại, từ đó đánh không đạt đối với nhà thầu Codupha.
'Định hướng chấm lại cho đúng chứ không phải chấm từ rớt thành đậu'
Tại tòa, bị cáo Khải khai có chỉ đạo chấm lại, nhưng chỉ đạo rằng phải chấm đúng, vì hội đồng chuyên môn không hiểu cách chấm nên bị cáo giải thích để chấm lại cho đúng chuyên môn. “Bị cáo chỉ định hướng chấm lại cho đúng chứ không phải chấm từ rớt thành đậu”, bị cáo Khải trình bày.
Về lý do chọn nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín, thay vì nhà thầu Codupha, bị cáo Khải khai là mong muốn chọn sản phẩm tốt nhất cho người bệnh, căn cứ vào đặc tính kỹ thuật, và đặc tính này có nằm trong HSMT.
Cụ thể bị cáo Khải khai sản phẩm thủy tinh thể của nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín tham gia dự thầu có chức năng thủy tinh thể tốt hơn, gồm: thủy tinh thể đơn thuần, gắn vô sáng mắt; chống chói, chống tia cực tím; có khúc xạ tăng lên để thủy tinh thể tinh khiết hơn; vết mổ phải nhỏ để đảm bảo độ an toàn cho bệnh nhân; công nghệ mới là thủy tinh thể gắn sẵn trong giác mạc - đây là công nghệ rất mới. Trong khi thủy tinh thể của Codupha chỉ chống tia UV, chưa có công nghệ mới...
Xem nhanh 20h ngày 29.11: Nhiều tỉ phú bỏ túi hơn nửa tỉ USD | Xôn xao vụ rút súng chặn ô tô |
Khi chủ tọa hỏi việc đánh giá sản phẩm dựa vào cơ sở khoa học hay cảm tính chủ quan, bị cáo Khải trả lời việc đánh giá căn cứ vào tính năng, chức năng của thủy tinh thể, đồng thời căn cứ vào kinh nghiệm, chuyên môn của từng bác sĩ.
Theo cáo trạng, để loại nhà thầu Codupha, bị cáo Khải đã thêm tiêu chí "ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu" trên hồ sơ dự thầu, và tự thành lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu, từ đó chỉ đạo đánh giá "không đạt" yếu tố kỹ thuật đối với thủy tinh thể nhà thầu Codupha. Khi không đạt 1/7 tiêu chuẩn theo hồ sơ mời thầu thì nhà thầu bị loại.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Võ Thị Chinh Nga (56 tuổi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Tổ trưởng tổ chuyên gia) khai Tổ chuyên gia đánh hồ sơ kỹ thuật của các nhà thầu phụ thuộc, căn cứ vào đánh giá vào Hội đồng đánh giá hàng mẫu. Trong 7 tiêu chí theo hồ sơ dự thầu, dù nhà thầu Codupha đạt 6 tiêu chí, nhưng khi tổng hợp kết quả Hội đồng đánh giá hàng mẫu chấm không đạt, nên loại nhà thầu Codupha.
Ngoài ra, bị cáo Phí Duy Tiến (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, Tổ trưởng tổ thẩm định) khai không ai định hướng việc thẩm định hồ sơ mời thầu, nhưng trong cuộc họp giao ban, Giám đốc nói Hội đồng đánh giá hàng mẫu được thành lập dựa trên các bác sĩ đầy kinh nghiệm nên “anh cứ yên tâm”, vì vậy Tổ thẩm định chọn nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín căn cứ vào kết quả của Hội đồng đánh giá hàng mẫu.
Bình luận (0)