Cựu giám đốc nhận hối lộ 14,4 tỉ đồng của AIC ngay tại phòng làm việc

24/05/2024 21:23 GMT+7

Ông Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đã 6 lần nhận hối lộ số tiền 14,4 tỉ đồng từ Công ty AIC, ngay tại phòng làm việc của mình.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), Sở KH-ĐT TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Trong số này, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bị truy tố tội nhận hối lộ.

Cựu giám đốc nhận hối lộ 14,4 tỉ đồng của AIC ngay tại phòng làm việc- Ảnh 1.

Các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trái) và Dương Hoa Xô

T.N

Thâu tóm thầu, gây thiệt hại hơn 94 tỉ

Theo cáo trạng, năm 2014, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn 1 trị giá 149 tỉ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỉ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỉ đồng.

Biết trung tâm đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp cận và đề nghị ông Dương Hoa Xô cho Công ty AIC tham gia. Theo đó, công ty muốn được tạo điều kiện trúng thầu, đồng thời xây dựng mức giá để AIC hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Sau khi được ông Xô đồng ý, năm 2015, thời điểm triển khai dự án giai đoạn 1 gồm 4 gói thầu, Tổng giám đốc Công ty AIC khi đó là Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với ông Xô, theo nội dung đã thống nhất với bà Nhàn từ trước.

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án thứ 4

Thực hiện kế hoạch "ưu ái" cho AIC, ông Xô thuê công ty định giá, yêu cầu ra chứng thư định giá các thiết bị cần mua với 169 tỉ đồng, trong khi dự kiến ban đầu chỉ là 149 tỉ đồng.

Đáng chú ý, để thuận lợi cho việc thâu tóm các gói thầu, bà Nhàn còn làm quen với bị can Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM). Từ tháng 3.2016, do được giao phụ trách dự án 12 phòng thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bà Minh nhiều lần gặp ông Xô.

Cuối tháng 11.2017, ông Xô ký tờ trình gửi Sở KH-ĐT TP.HCM, đề xuất điều chỉnh danh mục thiết bị và thời gian thực hiện giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án. Vì điều này, giá trị thiết bị toàn dự án tăng từ 425 tỉ đồng lên gần 469 tỉ đồng.

Tiếp nhận tờ trình, bà Minh chỉ đạo cấp dưới thực hiện, đồng thời, ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án và giá trang thiết bị, tăng gần 44 tỉ đồng như đề xuất.

Về phía mình, Công ty AIC và các công ty mà doanh nghiệp này chỉ định đứng tên thay đã trúng 8 gói thầu. Qua đó, tổng thiệt hại mà các bị can gây ra là hơn 94 tỉ đồng.

6 lần nhận tiền từ AIC của cựu giám đốc

Đáng chú ý, cáo trạng xác định, sau khi Công ty AIC trúng các gói thầu, ông Dương Hoa Xô đã 6 lần nhận tiền, tổng số 14,4 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (thông qua cấp dưới tại công ty) ngay ở phòng làm việc của ông Xô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Cụ thể, khoảng tháng 11.2016, ông Xô nhận 2,5 tỉ đồng. Khoảng tháng 1.2017, ông Xô nhận 3,9 tỉ đồng. 3 tháng sau, ông Xô nhận 2 tỉ đồng. Đến khoảng tháng 2.2019, ông Xô nhận 2 tỉ đồng.

Đến khoảng tháng 7.2019, ông Xô nhận thêm 2 tỉ đồng. Lần cuối là khoảng tháng 9.2019, ông Xô nhận 2 tỉ đồng.

Trong các lần đưa tiền, cấp dưới của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đều nói tiền này do Công ty AIC cảm ơn và mong ông Xô tạo điều kiện cho công ty tiếp tục thực hiện các gói thầu.

Sau khi nhận tiền, ông Xô đưa cho bà Trần Thị Bình Minh 1 tỉ đồng; đưa cho ông Nguyễn Đăng Quân, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM 950 triệu đồng (đưa thành nhiều lần từ năm 2016 - 2020); đưa cho ông Nguyễn Viết Thạch (Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) 1,1 tỉ đồng.

Số tiền còn lại 11,35 tỉ đồng, ông Xô sử dụng mục đích cá nhân.

Trong vụ án trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 3 bị can khác đang bỏ trốn. Viện KSND tối cao kêu gọi nhóm này sớm ra đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền bào chữa.

Nếu tiếp tục bỏ trốn, Viện KSND tối cao coi đó là hành vi từ bỏ quyền bào chữa của các bị can, sẽ bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.