Xét xử vụ thông thầu tại Sở Y tế Cần Thơ

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là chủ mưu, cầm đầu

Phan Thương
Phan Thương
15/02/2023 16:15 GMT+7

Đối đáp lại quan điểm bào chữa, viện kiểm sát nhấn mạnh với vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình, nhưng cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ chỉ đạo cấp dưới làm sai quy định đấu thầu, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chủ mưu, cầm đầu.

Chiều 15.2, sau khi các luật sư trình bày nội dung bào chữa cho 20 bị cáo, đại diện Viện KSND TP.HCM đã đối đáp lại trong vụ án thông thầu tại Sở Y tế Cần Thơ, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 32,6 tỉ đồng.

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là chủ mưu, cầm đầu - Ảnh 1.

Đại diện Viện KSND TP.HCM đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho 20 bị cáo

NGỌC DƯƠNG

Theo đó, về nội dung có hay không bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ năm 2011 đến ngày 1.12.2019) có hành vi vụ lợi trong vụ án, khi nhận 3 tỉ đồng từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn hành trình Thành công mới - NSJ Group), một lần nữa VKS khẳng định đã cáo buộc bị cáo nhận 3 tỉ đồng căn cứ vào nhiều chứng cứ, lời khai. 

Thông thầu, cựu nữ giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị đề nghị 10 năm tù

Chứng cứ gián tiếp có mối liên quan chặt chẽ  

Chẳng hạn, đối chiếu sao kê tài khoản, danh sách điện thoại trao đổi giữa người liên quan, lời khai của thư ký bị cáo Nga – người trực tiếp cùng Nga vào nhà bà Phi, để đưa 3 tỉ đồng cho Phi. Theo đó, thư ký này đã nhận dạng căn nhà, túi tiền cầm vào, và khẳng định khi đi từ nhà bà Phi ra, bà Nga không còn cầm túi tiền.

Theo VKS, tại tòa, bị cáo Nga cho rằng, lời khai của thư ký không đáng tin. VKS khẳng định, quá trình lấy lời khai phù hợp quy định, thư ký này không bị ép cung… Vì vậy, theo VKS, lời khai thư ký của Nga có đáng tin hay không, đề nghị HĐXX đánh giá thêm từ những lời khai, chứng cứ khác trong vụ án. 

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là chủ mưu, cầm đầu - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa

NGỌC DƯƠNG

Đối với quan điểm luật sư của bị cáo Cao Minh Chu cho rằng, thân chủ của mình không nhận 200 triệu đồng từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga. Theo VKS, trích xuất tin nhắn Zalo của bị cáo Cao Minh Chu, thể hiện Phi và Chu liên tục trao đổi với nhau về việc Sở Y tế đang bị thanh tra; lời khai của kế toán trưởng Sở Y tế Cần Thơ nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Viết Hồng (Công ty NSJ), sau đó giao lại cho bị cáo Chu, phù hợp với nhau.

VKS nêu, lời khai của bị cáo, người liên quan không phải là căn cứ duy nhất để xác định một hành vi, tuy nhiên nếu những lời khai này phù hợp với nhau, phù hợp với tài liệu và những chứng cứ khác thì những lời khai đó là chứng cứ trong việc xác định bị cáo Phi đã nhận của Nga 3 tỉ đồng; bị cáo Chu nhận của Công ty NSJ 200 triệu đồng, sau khi Công ty của bị cáo Nga trúng 4 gói thầu do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, VKS nêu, luật sư bị cáo Phi cho rằng, không có chứng cứ trực tiếp xác định bị cáo Phi nhận 3 tỉ đồng, VKS xác định chứng cứ trong vụ án dù là gián tiếp, tuy nhiên chứng cứ mà VKS sử dụng đều có sự liên quan chặt chẽ đến nhau, có mối quan hệ nguyên nhân - hệ quả.

Từ phân tích dòng tiền 3 tỉ đồng, VKS cũng nhấn mạnh, không có căn cứ xác định 3 tỉ đồng Hồng rút đưa Linh được Nga đưa đi Côn Đảo để làm ăn.

Xem nhanh 12h: Nỗi đau tai nạn ở Quảng Nam thêm dài | Bộ đội tìm ra vị trí 3 nạn nhân động đất

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ có vai trò chủ mưu, cầm đầu !?

Bên cạnh đó, tranh luận, luật sư bị cáo Bùi Thị Lệ Phi cho rằng VKS đánh giá thân chủ mình có vai trò chủ mưu, cầm đầu là có nhầm lẫn. Bởi khái niệm người chủ mưu cầm đầu theo điều 17 Bộ luật hình sự, là người khởi xướng vụ án, chỉ huy, điều hành và thúc đẩy quá trình thực hiện tội phạm.

Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là chủ mưu, cầm đầu - Ảnh 3.

Viện kiểm sát đánh giá với vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của mình, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi là người chủ mưu, cầm đầu

NGỌC DƯƠNG

Đối đáp lại, VKS nêu bị cáo Nga là người khởi xướng, còn bị cáo Phi có vai trò chủ mưu, cầm đầu là có căn cứ. Bởi, Sở Y tế là chủ đầu tư các gói thầu, bị cáo Phi là người đứng đầu đơn vị để ký hợp đồng, phê duyệt danh sách nhà thầu, các gói thầu…

Với vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình, bị cáo có nghĩa vụ bảo đảm việc thực hiện đấu thấu, việc mua sắm trang thiết bị cho Sở Y tế Cần Thơ phải được thực hiện đúng quy định về Luật đấu thầu. Tuy nhiên, bị cáo đã trực tiếp thực hiện nhiều hành vi, từ vai trò chỉ đạo, đến việc trực tiếp thực hiện nhiều hành vi quan trọng, mang tính chất quyết định đến việc lựa chọn nhà thầu, giá thầu... sai phạm. Vì vậy bị cáo Phi phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm liên quan và đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu là phù hợp.

Mức án còn lại đối với các bị cáo, VKS trình bày đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, vai trò của từng bị cáo để đánh giá. Quá trình tranh luận, khi luật sư cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, VKS đề nghị HĐXX xem xét thêm, nếu có căn cứ.

Hôm qua (14.2), VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (vừa bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù trong đại án AIC xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn hành trình Thành công mới - NSJ Group), Bùi Thị Lệ Phi (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ năm 2011 đến ngày 1.12.2019) cùng mức án từ 9 - 10 năm tù, bị cáo Cao Minh Chu (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ ngày 1.1.2020) từ 8 - 9 năm tù; các bị cáo đồng phạm còn lại bị VKS đề nghị từ 2 - 6 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Nga, Công ty NSJ, Công ty Bình An (do bị cáo Nga điều hành) bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 32,6 tỉ đồng cho Sở Y tế Cần Thơ.

Ngoài ra, trong phần luận tội, VKS còn nêu 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ đã có hành vi vụ lợi 3,4 tỉ đồng trong vụ án trên. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước toàn bộ số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Phi (3,2 tỉ đồng) và bị cáo Chu (200 triệu đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.