Cựu giáo viên bị đề nghị án tù vì làm rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT

14/07/2023 14:23 GMT+7

Cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bị đề nghị án tù trong vụ án rò rỉ đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngày 14.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến rò rỉ đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Hai bị cáo hầu tòa gồm bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), đều là cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cả hai cùng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.

Cựu giáo viên bị đề nghị án tù vì làm rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Hai bị cáo Phạm Thị My (trái) và Bùi Văn Sâm tại tòa

PHÚC BÌNH

Mang tài liệu câu hỏi thi về dạy cho người thân

Theo cáo buộc, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt; đợt 1 từ ngày 6 - 9.7, đợt 2 từ ngày 5 - 7.8. 

Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về việc đề thi môn sinh học "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng internet của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, nghi vấn bị lộ, lọt.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sau đó đã vào cuộc làm rõ. Kết quả điều tra cho thấy, để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT triển khai công tác ra đề thi theo 2 giai đoạn, gồm xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức ra đề thi.

Ở giai đoạn 1, các bị cáo Sâm và My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó. Đến giai đoạn 2, bà My là tổ trưởng tổ ra đề thi môn sinh học, ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định.

Do đã tham gia các năm trước (2019, 2020), ông Sâm và bà My biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên. Vì vậy, bà My nhiều lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.

Nhận tài liệu, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Hai bị cáo sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Tiếp đó, 2 cựu giáo viên sắp xếp các câu hỏi đã được biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp.

Cuối cùng, ông Sâm và bà My sử dụng các câu hỏi do mình soạn thảo để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B. Cả 2 được xác định không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà chỉ do nể nang tình cảm.

Quá trình điều tra, ông Sâm tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do bà My in và chuyển giao. Kết luận giám định cho thấy giống từ 70 - 95% so với các tổ hợp đề thi môn sinh học.

Cựu giáo viên bị đề nghị án tù vì làm rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm

PHÚC BÌNH

"Tôi chỉ là ông giáo viên già, rất ân hận"

Tại tòa hôm nay 14.7, ông Bùi Văn Sâm xác nhận có tham gia công tác ra đề thi và đã được phổ biến và ký cam kết về việc bảo mật trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề thi.

Dù vậy, ông Sâm vẫn được bà Phạm Thị My 3 lần đưa cho 3 quyển câu hỏi lấy ra từ khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Ông Sâm sau đó trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để bà đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.

"Tôi không chủ động bàn tán gì với My, cũng không có động cơ kinh tế hay chính trị gì cả. Gần 80 tuổi rồi, chỉ muốn ra câu hỏi tốt, hết mình vì kỳ thi tốt thôi chứ không có mục đích gì", ông Sâm phân trần.

Cựu giáo viên cho hay, bản thân không biết gì về máy tính, lại càng không hiểu gì về quy luật chọn rút câu hỏi là ngẫu nhiên hay không ngẫu nhiên. Vì thế, ông Sâm đã nhờ bà My xếp các câu hỏi vào máy tính.

"Ông nhìn đề chính thức thấy toàn câu hỏi mình và bị cáo My đã xếp, ông có thấy bất thường không?", hội đồng xét xử (HĐXX) đặt vấn đề. Ông Sâm khai rằng không thấy gì ngoài "thấy mừng", vì câu hỏi của mình được chọn chứng tỏ nó được đánh giá cao.

Về việc mang các câu hỏi này dạy cho những học sinh là người quen biết, ông Sâm nói không thấy ai cấm người ra đề thi mang câu hỏi của mình dạy cho con cháu, đây cũng không phải là bí mật nhà nước. Ông dạy cho những học trò này không hề vì vật chất. Món quà duy nhất là hộp sâm do phụ huynh biếu, ông đã nộp cho cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố.

HĐXX sau đó giải thích với ông Sâm, câu hỏi trong ngân hàng đề thi là sản phẩm trí tuệ, nhưng người sở hữu và có quyền sở hữu là Bộ GD-ĐT, chính bị cáo khai rằng đã được phổ biến và ký cam kết bảo mật trong quá trình xây dựng câu hỏi rồi, nên phải nhận thức rõ.

"Tôi chỉ là ông giáo viên già, chưa có sai lầm gì đáng tiếc. Tôi rất ân hận, đau khổ", ông Sâm nói.

Sau ông Sâm, đến lượt bà My khai báo. Cựu nữ giáo viên nhiều lần khóc, cho rằng bị cáo buộc nhiều chi tiết chưa chính xác. Bị cáo cho rằng tài liệu mình mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi, "chỉ là ý tưởng câu hỏi" do bản thân nghĩ ra.

Bà My cũng phủ nhận việc "biết quy luật lựa chọn đề thi" của phần mềm, bởi năm 2021 là năm đầu tiên bà biết đến chiếc máy đó. Các năm trước, việc sắp xếp bản cứng câu hỏi được thực hiện thủ công, bà không có quyền can thiệp…

Trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bà My mức án 15 - 18 tháng tù, ông Sâm 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 14.7

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.