Cứu hộ động vật hoang dã: Đưa thú rừng về 'ngôi nhà đích thực'

Quang Viên
Quang Viên
02/06/2023 06:23 GMT+7

Mục đích lớn nhất của các khu cứu hộ động vật hoang dã là tái thả thú về rừng. Tôi cũng đã may mắn được trải nghiệm công việc này.

Tối hôm trước, tôi vừa từ Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên về lại TP.HCM. Sáng hôm sau, anh Khương Hữu Thắng, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, thuộc VQG Bù Gia Mập, gọi điện thúc giục tôi lên để tham gia chuyến đi thả thú về rừng. Đang mệt đừ, nhưng được tham gia "trả tự do" cho hai loài vật nằm trong sách đỏ, nên tôi lập tức lên đường.

Bâng khuâng giã bạn tê tê

Anh Thắng hẹn đón tôi tại Bến xe Đắk Ơ, H.Bù Gia Mập, Bình Phước, để đưa về VQG Bù Gia Mập, nhưng lại lỡ hẹn. Nguyên nhân là chuyến xe tôi đi đến quá muộn, mà anh Thắng lại phải đi… bắt trứng kiến về đãi chú tê tê trước khi đưa nó vào rừng. Gặp tôi, anh Thắng bày tỏ: "Trước khi chia tay tê tê, phải tìm bằng được món mà bạn ấy rất ưa thích là kiến non về cho ăn. Vì thế, không ra đón nhà báo được. Tê tê hoạt động về đêm, để bạn tê tê ăn xong bữa tiệc trứng kiến, đợi đến chiều tối thì đưa bạn ấy vào rừng thả".

Cứu hộ động vật hoang dã: Đưa thú rừng về 'ngôi nhà đích thực' - Ảnh 1.

PV Báo Thanh Niên tham gia thả thú về rừng

T.N.V

Anh Thắng cho biết thêm, chú tê tê sắp được tái thả này là loài tê tê Java, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Chú được một người dân tình nguyện giao cho trung tâm chăm sóc khoảng 3 tháng. "Lúc mới về trung tâm, con tê tê ốm lắm. Toàn thân bị rất nhiều ký sinh trùng bám vào, chúng tôi phải nhặt bỏ từng con rồi bôi thuốc sát khuẩn cho nó. Nhờ được chăm sóc đặc biệt và dùng các khẩu phần ăn phù hợp nên giờ bạn ấy béo tốt, khỏe lên như thế này", chỉ vào chú tê tê, anh Nguyễn Đức Trọng, bác sĩ (BS) thú y của trung tâm cứu hộ, nói.

Trông thể trạng chú tê tê sắp được giải phóng khỏi chuồng rất tốt, nhưng trước khi đưa đi thả, BS Trọng vẫn cẩn thận kiểm tra sức khỏe và còn "dặn dò" nó: "Hôm nay anh em trung tâm phải chia tay với chú thôi. Về với rừng là về với ngôi nhà đích thực của mày rồi. Nhưng phải biết lẩn trốn bọn săn bắt nhé".

Nỗi lo của mọi người cho sự sinh tồn của chúng ngoài tự nhiên là rất đúng. Tê tê có giá trị kinh tế rất cao, trong khi đó di chuyển rất chậm chạp, thậm chí có thể nằm bất động, nên chúng luôn lọt vào tầm ngắm của bọn lâm tặc. Vì thế, cả hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất.

Cứu hộ động vật hoang dã: Đưa thú rừng về 'ngôi nhà đích thực' - Ảnh 2.

Con tê tê Java quý hiếm vừa được thả về rừng

Quang Viên

Khi chú tê tê đã hào hứng ăn no chén trứng kiến mà nhân viên trung tâm phải kỳ công lắm mới tìm được, trời cũng đã xế tà. Lúc này, tê tê được cho vào thùng chuyên dụng để đem vào khu vực rừng mà mấy ngày trước đích thân anh Khương Hữu Thắng đi khảo sát rất kỹ.

"Phải tìm được nơi có sinh cảnh và nguồn thức ăn phù hợp với tê tê. Ngoài ra, phải chú trọng những nguy cơ tiềm ẩn đối với loài động vật quý hiếm này, đặc biệt là cố gắng hạn chế thấp nhất khả năng tê tê bị bọn săn bắt thú phát hiện", anh Thắng cho biết.

Thả rái cá về "suối tự do"

Khác với tê tê, hai cá thể rái cá một đực và một cái cần được "trả tự do" vào ban ngày. Trước khi thả, rái cá cũng được chị Trần Thị Gái (nhân viên chăm sóc) cho ăn cá do các nhân viên trung tâm đi đánh lưới về từ chiều qua. Rái cá là loài nguy cấp, bị săn bắt rất ráo riết. Ngoài ra, môi trường sống của rái cá là môi trường nước có cá hoặc cua, ốc để chúng tự kiếm ăn. Chính vì thế, trước khi chuẩn bị thả rái cá về rừng, nhân viên trung tâm cứu hộ phải bí mật đi "tiền trạm" rất kỹ lưỡng. 

"Tôi khá rành chỗ nào trong rừng có suối mà dưới suối có thức ăn của rái cá. Nhưng như vậy chưa đủ, phải chọn lựa những con suối và những đoạn suối gần như con người không lui tới để giảm thiểu những nguy cơ do con người gây ra cho rái cá. Thả để rồi bọn lâm tặc dễ dàng bắt lại chúng, thà rằng đừng thả", anh Thắng chia sẻ.

Cứu hộ động vật hoang dã: Đưa thú rừng về 'ngôi nhà đích thực' - Ảnh 3.

Rái cá đã tìm thấy ngôi nhà bình yên sau khi được Trung tâm cứu hộ Bù Gia Mập tái thả

QUANG VIÊN

Quả thật, theo chân anh Thắng đến con suối để thả cặp rái cá, mới thấy anh cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của VQG Bù Gia Mập này không hề vẽ vời. Bỏ hai con rái cá vào bao được "ngụy trang" kín mít, chỉ chừa vài lỗ cho rái cá thở, anh Thắng đèo tôi bằng xe máy xuyên đường rừng dài thăm thẳm mới tới gần con suối thả rái cá. Sau đó, anh Thắng giấu xe máy rồi chia cho tôi một con, anh một con rái cá để mang vào suối. Suối nước trong vắt, nhưng đầy những tảng đá gập ghềnh và trơn trượt. Lội nửa tiếng, tôi đã thấy mệt nhoài, song anh Thắng giục tôi phải đi tới đúng điểm mà anh đã tiền trạm thấy có nhiều cơ hội sống sót nhất của rái cá mới dừng lại thả.

Cuối cùng phải mất hơn một tiếng rưỡi lội suối, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện "nghi thức" thả rái cá. "Thôi về với con suối tự do của mày nhé. Chắc là tớ sẽ nhớ mày. Nhưng con suối này mới thật sự là mái nhà của vợ chồng mày", anh Thắng ôm chặt nàng rái cá tâm sự trước khi buông tay cho nó nhảy phóc xuống suối.

Tôi nhìn thấy nàng rái cá có một chút hồi hộp, lo âu. Nàng không bơi trong dòng nước mà luýnh quýnh lao vào những bụi cây mọc bên bờ suối. Có lẽ không gian này hoàn toàn khác với cái chuồng nhỏ ở trung tâm cứu hộ mà ở đó hằng ngày rái cá được chăm sóc tận tình và cũng có thể nàng bất an vì chưa thấy "nửa kia" của mình.

Cứu hộ động vật hoang dã: Đưa thú rừng về 'ngôi nhà đích thực' - Ảnh 4.

Nhân viên và cán bộ Trung tâm cứu hộ Bù Gia Mập thả tê tê về rừng

Không để nàng rái cá chờ lâu, tôi cầu nguyện bình an và "phóng sinh" luôn chàng rái cá. Rất lạ, khi vừa vọt xuống dòng nước suối, chàng rái cá không đi một mạch mà quay lại ngẩng cái đầu tròn tròn và cặp mắt đen dễ thương lên nhìn tôi như thể cảm ơn. Sau đó, chàng lặn ngụp trong dòng suối trong tâm thế rất hí hửng. Khi phát hiện ra rái cá đực đang mải mê lặn ngụp trong dòng suối, nàng rái cá mừng rỡ kêu toáng lên và nhanh chóng tiến lại gần bạn đời. Trông chúng có vẻ rất tình cảm với nhau và dần dần không còn căng thẳng tinh thần, chúng tôi rất vui. Trên đường về, anh Thắng chia sẻ dù đã chọn nơi được coi là bình yên nhất để thả các loài động vật hoang dã về rừng, nhưng cán bộ trung tâm cứu hộ vẫn tiếp tục theo dõi chúng nhiều lần nữa để đảm bảo chúng có thể sinh sống tốt trong môi trường tự nhiên và không bị con người xâm hại.

(còn tiếp)

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) VQG Bù Gia Mập đã và đang cứu hộ nhiều loài thú hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm như vượn đen má vàng, culi, tê tê Java, trăn đất, kỳ đà vân (nhóm cực kỳ nguy cấp, IB); khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, trăn gấm, rùa đất, rùa núi vàng, kỳ đà hoa... (nhóm nguy cấp, IIB). Năm 2022, trung tâm tiếp nhận 69 cá thể ĐVHD, thực hiện 10 đợt tái thả về rừng tự nhiên với 171 cá thể. Trong đó có 112 cá thể phối hợp thả với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Trung tâm tiếp tục cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện phục hồi bản năng hoang dã cho 27 cá thể ĐVHD đang cứu hộ. Đặc biệt, trong năm 2023 việc tiếp nhận tái thả tăng vọt, tính đến hết tháng 4.2023, trung tâm đã tiếp nhận 28 đợt với 43 cá thể, thả 10 đợt với 24 cá thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.