Cứu hộ động vật hoang dã: Lãnh địa của chà vá chân xám

Quang Viên
Quang Viên
31/05/2023 06:32 GMT+7

Bốn ngọn núi ở xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành, Quảng Nam là nơi sinh sống của gần 70 cá thể voọc chà vá chân xám. Các tổ chức, chính quyền và người dân nơi đây đã làm tất cả để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này.

Anh Nguyễn Dư, trưởng nhóm bảo vệ voọc chà vá chân xám (thường gọi chà vá chân xám) mang tên Tiên Phong ở xã Tam Mỹ Tây, cho biết: Có nhiều người đến đây thấy voọc đã thốt lên "ngạc nhiên chưa". Họ ngạc nhiên là phải. Bởi ngôi nhà bình yên của đàn voọc thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm này chỉ cách đô thị H.Núi Thành và khu công nghiệp đầu tàu Quảng Nam chưa đầy 5 km đường chim bay. Đặc biệt hơn, đây được coi là quần thể chà vá chân xám duy nhất trên thế giới và ở Việt Nam dễ dàng tiếp cận ngoài tự nhiên.

Thâm nhập lãnh địa chà vá chân xám

Một buổi sáng đẹp trời, tôi lên đường đi "thám hiểm" voọc cùng một số thành viên nhóm Tiên Phong gồm ông Lê Bá Phong, Phó chủ tịch xã Tam Mỹ Tây; trưởng nhóm Nguyễn Dư và kiểm lâm viên (KLV) Bùi Ngọc Hải. Anh Nguyễn Dư, người còn có "hỗn danh" là "voọc đầu đàn", chở tôi trên chiếc xe máy nhìn bên ngoài giống như… đống phế liệu. Nhưng với anh, đó là chiếc xe đi rừng "thần thánh". "Chiếc xe cà tàng này là chiến mã thân thương đồng hành xuất sắc trong mỗi lần tuần tra của tôi. Dù nắng hay mưa, đường ổ gà, ổ vịt hay trơn lầy, bất kể sáng sớm hay đêm khuya, nó đều giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ", "voọc đầu đàn" Nguyễn Dư nói về chiếc xe của mình.

Cứu hộ động vật hoang dã: Lãnh địa của chà và chân xám - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Dư dùng ống nhòm tìm chà vá chân xám

Đường vào lãnh địa của chà vá chân xám không xa, nhưng rất khó đi. Nó đủ để tôi "tái mặt" khi chiếc xe của anh Dư gầm rú chạy qua những đoạn đường dốc ngoằn ngoèo.

Chà vá chân xám sinh sống trên 4 hòn núi gồm Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu với tổng diện tích khoảng 30 ha. "Có 6 đàn voọc trên các hòn núi này. Chúng chia nhau cát cứ các hòn khác nhau. Riêng Hòn Dồ diện tích hơn 10 ha có 3 đàn, còn lại mỗi hòn có 1 đàn", KLV Bùi Ngọc Hải chia sẻ.

9 giờ sáng, chúng tôi đến chân núi Hòn Dồ. Chỉ về phía những tảng đá rất to và vài cây rừng có tán lá rộng ở gần chân núi, anh Dư tiết lộ: "Voọc thường ra "hội họp" trên các tảng đá hoặc ngồi trên cây đa "ngắm cảnh". Nhờ vậy mà có thể dễ dàng nhìn thấy chúng". Tuy nhiên, hôm nay tôi đợi rất lâu vẫn chưa thấy đàn voọc xuất hiện. "Chắc đàn voọc không muốn lên báo", Phó chủ tịch xã Lê Bá Phong nói vui. Anh Dư khuyến khích mọi người ráng đợi. Bỗng những lùm lá cây xa xa rung lên. "Voọc đó! Voọc đó! Thấy chưa?", anh Hải reo lên. Tôi dùng ống nhòm mới nghía được khoảng 5 - 6 con voọc, nên mong chúng "quá bước" tới những tảng đá gần chỗ chúng tôi đứng hơn để có thể chụp hình. Nhưng hôm nay chúng như trêu ngươi, thoắt ẩn, thoắt hiện ở trên cao chót vót một lúc rồi biến luôn.

"Voọc bữa ni không "hội họp" thì anh em mình "hội họp" để nói chuyện về chúng. Chúng có đủ điều thú vị", ông Lê Bá Phong gợi ý. Trở về chốt của Tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, thuộc Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam, anh Hải lôi trong tủ ra một bộ xương chà vá chân xám, giới thiệu: "Từ trước đến nay chỉ mới phát hiện một bộ xương của loài linh trưởng quý hiếm này. Có lẽ nó chết vì quá già, chứ đàn voọc ở đây được bảo vệ rất tốt, số lượng cá thể tăng dần". Theo anh Dư, năm 1997 trong những khu rừng ở đây chỉ phát hiện 6 - 7 con chà vá chân xám. Nhưng từ đó đến nay, đàn voọc liên tục phát triển về số lượng.

Cứu hộ động vật hoang dã: Lãnh địa của chà và chân xám - Ảnh 2.

Nhóm trưởng Nguyễn Dư cưỡi chiếc xe “thần thánh” đi thăm voọc

QUANG VIÊN

Số liệu do Trung tâm GreenViet (tổ chức bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng và các loài nguy cấp ở khu vực miền Trung - Tây nguyên) nghiên cứu cho hay, năm 2022 đàn voọc tại Tam Mỹ Tây tăng hơn 10 cá thể so với năm 2020. "Đó là tín hiệu rất vui, chứng tỏ sinh cảnh ở 4 hòn núi tại xã Tam Mỹ Tây được cải thiện. Đặc biệt là công tác bảo vệ đàn voọc rất tốt nên chúng yên tâm sinh sống và sinh trưởng", ông Lê Bá Phong nhận định.

Những người tiên phong bảo vệ voọc

Bảo vệ được loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới này có sự đồng hành của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), chính quyền và người dân địa phương. Nhưng công sức của nhóm Tiên Phong là rất quan trọng. Nhóm này được thành lập vào cuối năm 2021, gồm 19 thành viên (nay còn 18 thành viên). Đây là những tình nguyện viên "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Họ không có một đồng lương nào, nhưng sẵn sàng bỏ việc nhà để lên rừng bảo vệ đàn voọc.

"Nhóm tham gia cùng các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng; ngăn chặn mua bán, săn bắt ĐVHD, đặc biệt là bảo vệ đàn voọc chà vá quý hiếm. Công việc rất vất vả, có người hy sinh nhiều thứ. Họ rất cần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, nhưng hiện nay chỉ có GreenViet hỗ trợ cho cả nhóm mỗi tháng 3 triệu đồng, chưa đủ tiền đổ xăng...", anh Hải tâm tư.

Cứu hộ động vật hoang dã: Lãnh địa của chà và chân xám - Ảnh 3.

Chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây

GreenViet cung cấp

Theo lịch trình, mỗi tuần sẽ có một tổ của nhóm Tiên Phong đi tuần tra từ 7 giờ sáng đến hơn 3 giờ chiều. Nếu người dân phát hiện những hoạt động của lâm tặc và báo tin thì nhóm cũng sẵn sàng lên đường bất kể giờ giấc. Chỉ cho tôi xem những dụng cụ săn bắt thú rừng thu giữ từ lâm tặc, anh Hải nói: "Nếu không tuần tra thường xuyên, thú rừng và thậm chí cả đàn voọc quý cũng có ngày bị tuyệt chủng. Người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ ĐVHD, nhưng một số người từ các tỉnh khác vẫn vào đây dùng súng, bẫy, lưới… để săn bắt thú rừng". Mới đây, vào ngày 17.2.2023, trên đường tuần tra núi Hòn Dồ, nhóm Tiên Phong bắt tại trận một đối tượng đã bẫy được 11 con chim bạc đầu, 3 họa mi đất, 2 bạc má, 1 cú mèo.

Được biết, Trung tâm GreenViet phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, UBND xã Tam Mỹ Tây… xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho công tác bảo tồn chà vá chân xám. Họ hỗ trợ nhóm Tiên Phong duy trì hoạt động tuần tra bảo vệ rừng cũng như tuyên truyền cho cộng đồng, phục hồi sinh cảnh sống cho loài voọc ở đây. "Nhóm Tiên Phong ở Tam Mỹ Tây là một nhóm hoạt động tốt nhất hiện nay tại VN ở cấp cộng đồng tham gia bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm… Điều đặc biệt nhất, nhóm đã truyền được cảm hứng và niềm tự hào bảo vệ loài chà vá chân xám đến cộng đồng", ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet, bày tỏ. (còn tiếp)

Đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám

Hiện nay, Sở NN-PTNT Quảng Nam phối hợp với UBND H.Núi Thành xây dựng Đề án bảo tồn chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đề án sẽ được thực hiện tại địa bàn xã Tam Mỹ Tây với phạm vi diện tích làm sinh cảnh sống cho chà vá chân xám khoảng 150 ha, trong đó có 30 ha rừng tự nhiên và 120 ha rẫy của người dân đang trồng keo… Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức An, Phó chủ tịch UBND H.Núi Thành, cho biết: "Bảo tồn, phát triển đàn chà vá chân xám quý hiếm tại xã Tam Mỹ Tây là rất cần thiết, thậm chí cấp bách. H.Núi Thành và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương hoàn thiện đề án để sớm triển khai".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.