Ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, TP.HCM hay Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo có nhiều con thú được đặt những cái tên rất lạ lùng.
Lạ bởi những cái tên ấy chính là “lý lịch cuộc đời” của chúng sau khi trải qua những ngày tháng đau thương bởi nạn buôn bán, săn bắt động vật hoang dã.
Trong bảy năm, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã cứu được khoảng 3.200 con thú, những nhân viên cứu hộ ở đây đang viết tiếp tương lai hạnh phúc cho chúng bằng nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
|
|
“Tiếng hót của cậu bé mồ côi”
Cái tên này đã theo chú vượn nhỏ suốt những ngày chú còn ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Cha mẹ bị những người săn trộm bắt mất, chỉ còn mình chú thoát chết nhưng thoi thóp trong rừng. May mắn thay, chú đã được các anh kiểm lâm Ninh Thuận cứu và đưa về trung tâm.
Những ngày đầu về nhà mới chú sợ sệt, né tránh con người và cả những con vượn khác bởi ký ức về cái ngày kinh hoàng, những con người tàn độc cướp mất cha mẹ vẫn còn ám ảnh chú. Vượn trưởng thành có thói quen hót vào lúc 4-5 giờ sáng, nhưng với chú vượn mồ côi này, trong suốt hai năm ở trung tâm, chú luôn chờ bầy hót xong mới cất tiếng.
Dù được các nhân viên cứu hộ yêu thương chăm sóc, nhưng tiếng hót của chú luôn lẻ loi và buồn bã. Vì thế mỗi khi chú cất tiếng, các nhân viên ở đây bảo đây là tiếng hót của cậu bé mồ côi và “tiếng hót của cậu bé mồ côi” đã trở thành tên gọi của chú vượn nhỏ ngày nào. Khi gần ba năm tuổi “tiếng hót của cậu bé mồ côi” đã được chuyển đến Trung tâm Cứu hộ Cúc Phương để thả về tự nhiên.
|
“Bà già đi dạo”
“Bà già” là tên gọi mà các nhân viên cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đặt cho con chim già đẫy. Con chim này được giải thoát khỏi một khu du lịch ở Cần Giờ và được đưa về trung tâm cách đây vài tháng. Già đẫy có tuổi thọ không quá 15 năm, nhưng khi về trung tâm cứu hộ “bà già” này đã được khoảng 13, 14 tuổi và trong tình trạng kiệt sức.
Là chim, nhưng “bà già” đã và sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn được tung cánh trên bầu trời bao la vì những người chủ cũ đã tàn nhẫn tháo gân cánh nó. Những ngày tháng còn lại của cuộc đời “bà già” sẽ bình an nơi trung tâm, “bà già” là động vật duy nhất được thong dong đi dạo bất cứ nơi nào nó muốn trong trung tâm và nhẩn nha ăn khi nó đói. Sau vài tháng được chăm sóc kỹ càng, lông nó đã mượt mà, da thịt cũng căng đầy hơn.
“Những chú hề vui tính”
Đó là những chú rái cá hiếu kỳ, lém lỉnh đang sống trong Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ban đầu trung tâm tiếp nhận hai con rái cá mới đẻ được người nước ngoài cứu về. Khi đó chúng còn chưa biết ăn nên các nhân viên ở trung tâm phải cho bú sữa bằng bình. Thấm thoát đã hơn ba năm, đến nay cặp rái cá này đã sinh thêm ba bé rái cá khỏe mạnh.
Có lẽ vì được cứu về khi còn sơ sinh và được sống trong môi trường bán hoang dã, được các nhân viên tại trung tâm yêu thương, chăm sóc kỹ nên gia đình rái cá này rất vui vẻ, hồn nhiên. Chúng sẽ ùa từ hồ nước lên làm trò mỗi khi thấy có người đến gần và sẽ đứng bằng hai chân sau, cúi đầu cảm ơn. Và thế là cái tên “những chú hề vui tính” đã được gắn với gia đình rái cá.
Ngày tháng êm đềm của “cậu bé sên sên”
Cuối năm 2007, khi được kiểm lâm cứu và đưa về trung tâm, con tê tê mẹ đang có thai. Nó bị sập bẫy của những người săn trộm và bị mất một phần thân thể, các bác sĩ, nhân viên tại đây đã tận tình cứu chữa cho nó. Không chỉ phục hồi sức khỏe, con tê tê mẹ đã sinh ra chú tê tê con xinh xắn, khỏe mạnh. Đến ngày 7-8-2010, tê tê con được thả về rừng quốc gia Nam Cát Tiên khi chú được 7kg.
Những ngày tháng ở trung tâm bên mẹ, bên các nhân viên chăm sóc thú là những ngày tháng êm đềm nhất của tê tê con bởi không chỉ sống trong môi trường an toàn, điều kiện thức ăn đầy đủ mà chú còn được yêu thương và chăm sóc tận tình. Cái tên “những ngày tháng êm đềm của cậu bé sên sên” được ra đời từ đó.
Và những nỗi đau ở Tam Đảo
Vandrew được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo vào tháng 7-2010 từ một trại gấu ở Quảng Ninh, trên đầu Vandrew đầy vết thương do chú chà xát đầu vào song cũi, chi trước bên phải bị cụt sát, mắt phải bị viêm nên thường xuyên gây đau nhức và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chú gấu này. Vì thế các bác sĩ quyết định phẫu thuật mắt phải để tránh đau đớn và nhiễm trùng cho Vandrew.
Ngoài ra chú cũng có dấu hiệu của bệnh viêm túi mật. Các bác sĩ thú y đã nhìn thấy thành túi mật bị dày hơn bình thường, bị viêm nhiễm và thùy gan liền kề có rất nhiều vết sẹo do từng bị đâm kim tiêm quá nhiều lần. Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho Vandrew, các bác sĩ đã cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, gấu Vandrew được theo dõi cẩn thận và có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để đảm bảo cho chú khỏe mạnh, nhanh chóng phục hồi. Cái tên Vandrew được đặt theo tên người bảo hộ cho chú.
Đến từ Bình Dương, Grace được đưa đến Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo bằng xe tải vượt quãng đường hơn 2.000km. Grace đã bị mù vĩnh viễn. Grace luôn lắc đầu và cọ đầu vào song sắt do bị giam cầm quá lâu năm trong lồng cũi. Ngay cả khi đã được chăm sóc rất chu đáo và có hai bạn gấu luôn ở bên cùng chơi đùa, Grace vẫn không bỏ được những thói quen này.
Khi được chuyển đến sống ở khu bán hoang dã với nhiều đồ chơi, lần đầu tiên ra ngoài Grace lần mò đặt chân lên cỏ, hít ngửi và khám phá địa phận mới của mình. Do mắt đã mù, cô gấu Grace gặp nhiều khó khăn và mất một thời gian để làm quen với các bạn gấu khác. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tâm của chuyên gia và các nhân viên trung tâm, giờ đây Grace đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống mới và thường hay nằm dài trên bãi cỏ tận hưởng nắng ấm. Cũng như Vandrew, tên của cô gấu được đặt theo tên người bảo hộ cho cô.
Suốt 13 năm bị nuôi nhốt trong một góc bếp tối đen ở Huế, chú gấu Zebedee bị hỏng mắt hoàn toàn không thể bình phục được. Khi chú mới về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo, trong lần đầu tiên kiểm tra sức khỏe, người ta đã buộc phải nhổ 12 chiếc răng và sau đó cắt bỏ túi mật bị hỏng nghiêm trọng. Sau gần bốn năm ở nơi này, Zebedee là một chú gấu sống hạnh phúc ở một khu bán hoang dã rộng rãi ngoài trời cùng với 20 bạn gấu nữa. Mỗi ngày Zebedee được phân chia thức ăn để đảm bảo khẩu phần công bằng so với các bạn do chú bị mất răng.
Và như Grace, hạnh phúc của chú bây giờ là hưởng thụ những tia nắng ấm mặt trời, thứ mà trong suốt 13 năm tuổi thơ Zebedee không được cảm nhận.
Khi đang ngồi trị bệnh cho rùa thì con chó bécgiê của trung tâm nhảy vào đùa giỡn, sợ làm rùa bị thương nên cô bác sĩ người Anh đã lấy thân che cho rùa, để chú bécgiê nhảy lên lưng. Cú nhảy ấy đã làm cô bị thương nhưng cô vẫn không ghét bỏ chú bécgiê hay hối tiếc về hành động của mình - ông Lê Xuân Lâm, giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, kể. Ông Lâm nói: “Khi tiếp xúc lâu với thú hoang, những người làm công tác cứu hộ sẽ có tình cảm với chúng, bởi tuy là thú lớn nhưng chúng lại không khác gì những đứa trẻ không tự bảo vệ mình được và rất cần sự chăm sóc, yêu thương của con người”. Theo ông Lâm, ở Trung tâm Củ Chi hiện nay rất nhiều con thú được cứu về nhiều năm, đã được chữa trị hết bệnh nhưng vĩnh viễn sẽ không được trả về với tự nhiên bởi thân thể của chúng không còn lành lặn, nếu về tự nhiên khắc nghiệt chúng khó có thể sinh tồn. Đó là hai chú gấu ngựa bị cụt chi sát đến tận thân, là chú don bị tháo khớp, mất một chân; năm con tê tê bị mất chân, già đẫy bị cắt gân cánh. Đó là kỳ đà nước béo phì bị nuôi nhốt từ khi mới sinh, là cô vượn nhỏ Lê Ngọc Hân được sinh ra tại trung tâm nên dù là thú hoang dã nhưng đã mất bản năng tìm mồi, kiếm thức ăn... |
Theo Hồng Nhung \ Tuổi Trẻ
>> Bắt xe khách vận chuyển động vật hoang dã
>> Bắt vụ tàng trữ động vật hoang dã
>> Truy bắt xe khách chở hơn 100 kg động vật hoang dã
>> Sinh sản vô tính động vật hoang dã
>> Thu giữ nhiều động vật hoang dã tại quán nhậu
>> Phát hiện động vật hoang dã trong quán nhậu
>> Vì động vật hoang dã
>> Thả động vật hoang dã về rừng
>> Lãnh án tù vì mua bán động vật hoang dã
Bình luận