Cứu kịp thời 2 bệnh nhân đột quỵ nguy kịch do vỡ mạch máu não

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/12/2020 18:50 GMT+7

Một bệnh nhân nữ 75 tuổi và một bệnh nhân nam 27 tuổi bị đột quỵ nguy kịch do vỡ túi phình, dị dạng mạch máu não vừa được các bác sĩ Cần Thơ cứu sống kịp thời.

Chiều ngày 11.12, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ,cho biếtác bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh kết hợp Khoa Đột quỵ đã vừa cứu sống 2 bệnh nhân đột quỵ nguy kịch do vỡ túi phình mạch máu não, trong đó có một bệnh nhân mới 27 tuổi.

Cho bệnh nhân bị đột quỵ nằm như thế nào khi di chuyển đến bệnh viện?

Trước đó, cụ L.T.K (75 tuổi, ngụ TP.Vĩnh Long) đã được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau đầu dữ dội vùng chẩm, nôn ói liên tục khoảng 3 giờ trước khi nhập viện. Sau nhập viện, bệnh nhân hôn mê sâu.

Kết quả chụp CT Scan sọ não ghi nhận bệnh nhân L.T.K bị đột quỵ do xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước, tắc động mạch não trước phải, đoạn A1

Ảnh Đình Tuyển

Kết quả chụp CT Scan sọ não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước, tắc động mạch não trước phải, đoạn A1. Do vị trí túi phình không thuận lợi cho kỹ thuật can thiệp mạch não, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa kết hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, bướu giáp đã phẫu thuật nên các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình để cứu bệnh nhân.
Ca phẫu thuật do ê kíp BS.CK2 Trần Văn Minh, Phó Khoa Ngoại Thần kinh; BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, thực hiện. Sau hơn 5 giờ ca phẫu thuật thành công.
Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và tình trạng phù não sau mổ nên giai đoạn hồi sức sau mổ đầy khó khăn. Vào ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân dần tỉnh lại.
Hiện bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động 2 tay tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Hình ảnh sọ não bệnh nhân L.T.K sau khi được phẫu thuật kẹp clip túi phình mạch máu não

Ảnh Đình Tuyển

Vào viện cách cụ K.  chỉ 2 ngày, một nam bệnh nhân tên P.M.T (mới 27 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) cũng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sau khi bị nhức đầu nhiều và đột ngột hôn mê. Bệnh nhân được tuyến dưới chẩn đoán đột quỵ do xuất huyết nội sọ. Đây là trường hợp có nguy cơ tử vong rất cao nếu không xử trí kịp thời, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân.
Kết quả chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA cho thấy có búi dị dạng động tĩnh mạch não vị trí gần não thất bên ở bên trái; các bác sĩ đã tiến hành nút dị dạng và bảo toàn các nhánh mạch máu lành. Sau khi nút dị dạng thành công, bệnh nhân được tiếp tục phẫu thuật để dẫn lưu máu và dịch trong não thất ra ngoài làm giảm áp lực trong sọ.
Tổng thời gian can thiệp và phẫu thuật khoảng 3 giờ.

Hình ảnh dị dạng mạch máu não của bệnh nhân P.M.T trước và sau khi được can thiệp

Ảnh Đình Tuyển

Chia sẻ về bệnh đột quỵ cũng như cách sơ cứu chứng bệnh chết người này, TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết đột quỵ não thường gặp 2 thể: Nhồi máu não và xuất huyết não. Triệu chứng của đột quỵ xảy ra đột ngột, bao gồm: méo miệng, yếu liệt nửa người, nói ngọng nói đớ hoặc không nói được, nặng nữa bệnh nhân hôn mê.
“Cách sơ cứu đột quỵ đúng nhất là mình đặt bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên trái, sau đó lấy bàn tay phải của mình đỡ đầu bệnh nhân, để mu bàn tay hướng vào má bệnh nhân; chân bệnh nhân phía dưới để co, chân trên thì thẳng. Lý do là ở tư thế này, mình di chuyển bệnh nhân tới bệnh viện mà lỡ bệnh nhân có nôn ói thì chất ói nó sẽ ít nguy cơ lọt vào đường thở. Thứ hai là khi nằm nghiêng vậy, lưỡi bệnh nhân sẽ rớt qua một bên, chừa kẽ thở cho bệnh nhân. Ngược lại khi bệnh nhân nằm ngửa, lưỡi sẽ rơi ra phía sau chèn bít đường thở của bệnh nhân, chưa kể nếu bệnh nhân ói, chất ói sẽ lọt vô đường thở rất nguy hiểm”, BS Đức nói.
BS Đức khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân bị các triệu chứng đột quỵ không nên áp dụng các biện pháp dân gian như trích máu đầu ngón tay, vắt chanh vào miệng, vừa không hiệu quả vừa có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, làm chậm trễ thời gian cứu sống bệnh nhân đột quỵ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.