Cứu lấy tê giác bằng cách tiêm độc vào sừng

20/04/2015 18:53 GMT+7

(TNO) Tiến sĩ Lorinda và Rhino Rescue Project (Dự án Giải cứu tê giác) đã đề ra một giải pháp hiệu quả và lâu dài để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và bất cứ đâu có nạn săn bắt trộm, bằng cách tiêm độc vào sừng tê giác.

(TNO) Tiến sĩ Lorinda và Rhino Rescue Project (Dự án Giải cứu tê giác) đã đề ra một giải pháp hiệu quả và lâu dài để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và bất cứ đâu có nạn săn bắt trộm, bằng cách tiêm độc vào sừng tê giác. Độc tố an toàn cho động vật nhưng nguy hiểm cho con người.

Cận cảnh quá trình tiêm độc vào sừng - Ảnh do Dự án Giải cứu tê giác cung cấp
Chương trình bảo tồn toàn diện này tập trung chính vào việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại. Tiến sĩ Lorinda và tổ chức cứu hộ tê giác thực hiện giải pháp bằng cách tiêm vào sừng tê giác một loại độc tố, chất này an toàn cho động vật, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ chúng như gắn vi mạch theo dõi, lấy và lưu giữ mẫu ADN. Tuy nhiên, chất độc này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người
Bên cạnh đó, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, đội ngũ của tiến sĩ Lorinda kết hợp với các biện pháp an ninh mới, như việc dùng định vị phóng xạ để theo dõi nạn buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu.
Tiến sĩ Lorinda chia sẻ: “Tôi tin rằng một khi công chúng nghe về sừng tê giác không chỉ là vô giá trị, mà còn gây nguy hiểm cao, nhiều nguy cơ gây bệnh đối với sức khỏe con người khi họ dùng chúng. Nếu tôi là họ, tôi chắc chắn sẽ không muốn lại gần con tê giác huống chi là dùng sừng tê vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao này”.
“Tôi chắc chắn rằng công chúng Việt Nam sẽ 'choáng', 'sốc' nếu họ hiểu được bản chất thực sự của việc săn trộm tê giác ở Nam Phi. Đừng nên tin vào những người săn trộm, họ chỉ muốn kiếm tiền, và không quan tâm nếu ai đó bị tổn hại từ chất độc của sừng tê giác”, tiến sĩ Lorinda cho biết thêm.
Tiến sĩ Lorinda Hern đang thực hiện việc truyền chất độc vào sừng tê giác ở Nam Phi - Ảnh do Dự án Giải cứu tê giác cung cấp
Theo đó, nhóm các nhà khoa học sẽ tiêm vào sừng tê giác một hợp chất gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng, khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí.
Năm 1983, tổ chức Động vật hoang dã thế giới - World Wildlife Fund (WWF) và Hiệp hội Bảo toàn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã công bố kết quả nghiên cứu về sừng tê giác: “Không có bằng chứng nào xác nhận việc sừng tê giác có tác dụng y khoa như một loại thuốc giải nhiệt và cũng không có hiệu quả trong việc giảm sốt như cách thường dùng ở châu Á”.
Năm 2014, hơn 1.200 con tê giác đã chết do nạn săn bắt ở Nam Phi, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ về sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc lại tăng theo cấp số nhân. Nếu vấn đề này không được giảm thiểu một cách hiệu quả thì sẽ không có cách nào để bảo vệ loài tê giác khỏi sự săn bắt và giết chóc đang ở mức báo động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.