Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry: ​Hà Nội ô nhiễm hơn cả Bắc Kinh, New Delhi

Anh Vũ
Anh Vũ
17/01/2019 10:24 GMT+7

Vị chính khách nổi tiếng của Mỹ báo động ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và khuyến nghị Chính phủ sớm giải quyết nếu muốn tăng trưởng bền vững.

Sáng nay, 17.1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư chủ trì, phối hợp với một số đơn vị, tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 3 (năm 2019), với sự tham dự của gần 250 đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, một số đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, cùng các diễn giả quốc tế.

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vẫn theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp, theo ông Bình, biến đổi khí hậu đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, nó cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng.

“Biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng, nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống biến đối khí hậu và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình nói.

Phát biểu danh dự, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế, cũng khẳng định thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. Biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay, thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó.

Hiện nay, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu.

“Tôi có nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế T.Ư - phóng viên), chúng tôi đều thấy rằng phải làm gì đó và khuyến nghị cho Quốc hội, Chính phủ biết về việc cần phải giảm sự phụ thuộc năng lượng vào than và tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời. Đó là giải pháp để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững”, ông John Kerry gửi gắm thông điệp, và cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ khả năng cạnh tranh lĩnh vực tư nhân. Chính phủ tạo điều kiện đầu tư dài hạn, nắm bắt cơ hội và thúc đẩy kinh tế, mang lại hy vọng tương lai cho người trẻ thì phải thu hút thêm nhiều vốn FDI.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, cựu Ngoại trưởng Mỹ báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng rất nhiều lần. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và New Delhi (Ấn Độ), chủ yếu từ xăng dầu. “Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam”, ông John Kerry lo ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.