Căng lều, lập chốt chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp là giải pháp chẳng đặng đừng của người dân khu vực này. Cách mà người dân đối thoại với chính quyền mấy ngày nay cho thấy, họ đã phải chọn cách cuối cùng để bày tỏ quan điểm của mình, một cách rõ ràng và quyết liệt nhất.
Mới 4 ngày, các đống rác đã cao lút đầu người và bốc mùi ở các ngõ phố Hà Nội; và người dân đã cảm nhận là “không thể chấp nhận”. Điều đó để thấy được tình cảnh tận cùng của những hộ dân sống trong vùng bãi rác từ hàng chục năm nay. Nó được mô tả là “ăn cũng phải mắc màn vì ruồi, nhặng”, “thiếu thốn đủ đường”, “bệnh tật ngày càng nhiều”…
Nhưng “khủng hoảng” rác thải đang diễn ra ở Nam Sơn không chỉ đơn thuần là chuyện những cọng rác và bãi chôn lấp rác. Nó bộc lộ khá nhiều vấn đề về hiệu lực bộ máy và quản trị xã hội.
Tái ông thất mã, hy vọng, cuộc khủng hoảng rác thải lần này sẽ khiến chính quyền Hà Nội hiểu rằng, lời hứa với dân về việc đền bù, di dời dù là “dân bãi rác” cần phải được tôn trọng. Việc “hứa cho xong” sẽ chỉ khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.
Nhưng quan trọng hơn nữa là Hà Nội (cũng như nhiều tỉnh thành khác) phải có kế hoạch dài hơi cho vấn đề rác thải. Giải pháp “rẻ” là chôn lấp đã không còn “dễ” thực hiện trong bối cảnh lượng rác thải ngày một tăng lên mà đất thì không còn.
Phương pháp này đơn giản, đỡ tốn kém nhưng hao tốn tài nguyên đất kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường ở cả không khí lẫn nguồn nước như đã thấy. Nó sẽ hoàn toàn không “rẻ” so với trả giá về môi trường và sức khỏe người dân.
Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân quanh khu vực các bãi chôn lấp rác khắp các tỉnh, thành cả nước.
Hà Nội đang thử nghiệm một nhà máy đốt rác để lấy lại năng lượng. Đó là xu thế chung của thế giới và điều này cần được xúc tiến nhanh hơn.
Nhưng ngay cả với công nghệ đốt rác hiện nay, nếu có áp dụng thì việc VN không có quy định chuẩn mực về phân loại rác từ nguồn cũng là khó khăn đáng kể để các nhà máy đốt rác có thể vận hành đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Cuộc “khủng hoảng” rác thải vì thế cũng sẽ vẫn loanh quanh mà chưa tìm được giải pháp căn cơ.
Bình luận (0)