Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger ủng hộ Ukraine gia nhập NATO

18/01/2023 08:29 GMT+7

Phát biểu trực tuyến trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hôm 17.1, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng sự trung lập của Ukraine “giờ đây không còn có ý nghĩa” trong bối cảnh hiện tại, nhưng ông vẫn kiên trì phải đối thoại với Nga.

Cựu ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Diễn Kinh tế Thế giới tại Davos hôm 17.1

Reuters

Ông Kissinger, hiện 99 tuổi, là ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973-1977, và cố vấn an ninh quốc gia từ năm 1969-1975.

Tại diễn đàn Davos hồi tháng 5.2022, ông vận động chấm dứt ngay tình trạng thù địch ở Ukraine nhằm tránh nguy cơ đẩy Nga vào cuộc liên minh kéo dài với Trung Quốc. Ông Kissinger cho rằng Moscow có thể giữ bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014, và vì thế tên của ông nằm trong danh sách kẻ thù của Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm 17.1, ông đầu tiên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky và sự anh dũng của người dân Ukraine, trước khi một lần nữa đề xuất nghị trình hòa bình như năm ngoái, nhưng có sự điều chỉnh.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger ủng hộ Ukraine gia nhập NATO

“Trước khi chiến sự nổ ra, tôi phản đối NATO kết nạp Ukraine, vì tôi lo ngại rằng động thái này có thể kéo theo quá trình như chúng ta đang chứng kiến”, ông nói. “Giờ đây, quá trình đó đã đến mức độ như hiện tại, ý tưởng về một Ukraine trung lập trong hoàn cảnh này không còn có ý nghĩa”, nhà cựu ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Kissinger, cách thức ngăn chặn cuộc xung đột leo thang hiện giống như điều mà Kyiv, Mỹ và các đồng minh đang thực hiện: yêu cầu Nga rút quân, trong khi viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, đồng thời duy trì “các lệnh cấm vận và những áp lực khác” đối với Moscow.

Phương Tây cũng nên tỏ thái độ chào đón sự quay lại của Nga, nếu Moscow đáp ứng những điều kiện cần thiết để tham gia với tư cách thành viên trong các qui trình của châu Âu.

Điều quan trọng là phải tránh đi nhận thức rằng cuộc xung đột ở Ukraine nhằm chống Nga, để tránh đẩy Nga vào tình thế một lần nữa đánh giá lại sự thu hút của châu Âu bên cạnh nỗi sợ bị châu Âu thống trị.

Xem nhanh: Ngày 327 chiến dịch, bộ trưởng quốc phòng Nga ra tiền tuyến, tổng tư lệnh Mỹ thị sát huấn luyện quân Ukraine

Ông Kissinger cũng nói rằng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cần phải là bên đảm bảo cho quá trình dàn xếp hòa bình đến tận cuối cùng, “dựa trên bất kỳ hình thức nào mà NATO có thể thực hiện được”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.