Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) nhanh chóng tiến hành hồi sức và truyền máu cho người bệnh, đồng thời thực hiện chụp CT scanner xác nhận tổn thương lồng ngực với chấn thương vỡ phổi, tràn máu màng phổi nhiều, máu nhiều ở bụng và tổn thương gan độ 5.
Xác định mức độ nghiêm trọng của ca cấp cứu, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, cuộc hội chẩn khẩn diễn ra ngay trong đêm giữa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu của nhiều chuyên khoa đã đưa đến quyết định phẫu thuật kết hợp mở bụng và ngực để xử trí tổn thương cấp cứu.
Ngày 12.12, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Huỳnh Anh Hùng (Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cho biết, trong quá trình mở ngực, ê kíp phẫu thuật ghi nhận tình trạng vỡ rách gần hết thùy dưới phổi bên phải, chảy máu nhiều từ các nhánh động mạch, kèm theo đó là tổn thương thành phế quản của thùy dưới phổi phải. Các bác sĩ đã kẹp cầm máu và tiến hành mổ cắt thùy dưới phổi phải.
Cùng lúc đó, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát cũng tiến hành mở ổ bụng kiểm tra, thám sát thấy tổn thương dập nát gan hạ phân thùy 5, 6, 7. Ê kíp đã tiến hành cầm máu và cắt hạ phân thùy 6 của gan do bị dập nát quá nhiều, sau đó tiến hành cầm máu.
Do chấn thương quá nặng kèm theo mất máu nhiều, các bác sĩ đã quyết định xử lý cấp cứu ban đầu để đảm bảo huyết động ổn định và giữ được tính mạng của người bệnh, sau đó tiếp tục chuyển người bệnh qua Khoa Hồi sức tích cực để theo dõi đặc biệt. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa tạng do choáng mất máu kéo dài sau mổ. Trước tình hình, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và đưa ra phương án lọc máu để ngăn quá trình suy đa tạng ngày càng nặng.
Sau 3 ngày lọc máu, thể trạng bệnh nhân ổn định, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát tiếp tục thực hiện phẫu thuật lần 2 để xử lý những thương tổn gan còn lại.
Nên đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Theo bác sĩ Hùng, đây là một ca bệnh phức tạp với 2 tổn thương nặng là chấn thương gan độ 4, 5 và dập phổi vỡ nát thoát mạch nhiều, bệnh nhân choáng mất máu nhiều. Với những tổn thương nặng ở gan và phổi như vậy, các bác sĩ bắt buộc phải cắt thùy dưới phổi mới giữ lại tính mạng cho bệnh nhân. Và đặc biệt, các ca bệnh cấp cứu khẩn trong điều kiện gấp rút như trên, việc cầm máu tối đa nhất cho bệnh nhân càng sớm càng tốt thì mới giữ lại tính mạng, nếu chậm trễ người bệnh sẽ mất máu quá nhiều và nguy cơ tử vong trên bàn mổ.
Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn và được rút ống dẫn lưu, đi lại bình thường. Kế hoạch điều trị tiếp theo là cho bệnh nhân tập thở tự nhiên và theo dõi tình trạng rò mật sau tổn thương gan.
"Đối với những trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động, việc ưu tiên hàng đầu là phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu người bệnh không được đưa đến bệnh viện để phát hiện và điều trị sớm thì sẽ dễ tử vong do sốc mất máu", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)