Cứu người phụ nữ đột ngột yếu liệt nửa người sau phẫu thuật

Lê Cầm
Lê Cầm
02/08/2024 12:31 GMT+7

Một ngày sau phẫu thuật u mạc treo ruột non, chị L.T.M (40 tuổi, ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) đột ngột suy giảm thị lực, đau đầu dữ dội, yếu liệt nửa người.

Ngày 2.8, thầy thuốc ưu tú - bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Đình Hoan, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115, cho biết khi người bệnh đi khám tại bệnh viện thì tình cờ được phát hiện có u mạc treo ruột non kích thước lớn 8x9 cm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt u để tránh các biến chứng nguy hiểm như chèn ép tạng lân cận; xoắn ruột, tắc ruột; nhồi máu mạc treo gây hoại tử ruột.

"Đáng chú ý, một ngày sau phẫu thuật, người bệnh đột ngột nhìn mờ, yếu liệt nửa người trái, diễn tiến liệt tứ chi kèm đau đầu dữ dội, là các triệu chứng điển hình cảnh báo cơn đột quỵ cấp. Các bác sĩ ngay lập tức chỉ định thực hiện cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cận lâm sàng loại trừ đột quỵ xuất huyết não nhưng ghi nhận có giảm khẩu kính tín hiệu dòng chảy động mạch cảnh trong trái đoạn C7, đoạn M1 phải, A1 hai bên", bác sĩ Hoan chia sẻ.

Cứu người phụ nữ đột ngột yếu liệt nửa người sau phẫu thuật - Ảnh 1.

Chụp MRI cho người bệnh

BSCC

Hội chứng co thắt mạch máu có phục hồi được thúc đẩy do tâm lý căng thẳng

Do người bệnh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật nên các bác sĩ không loại trừ tình huống có cục máu đông hình thành sau phẫu thuật di chuyển theo dòng máu lên não gây nhồi máu não

Tuy nhiên, tiền sử người bệnh có đau nửa đầu Migraine (đau đầu vận mạch) nhiều năm, một tuần trước khi phẫu thuật u mạc treo ruột non, bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng đau nửa đầu trái theo mạch đập. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, X-quang can thiệp, bác sĩ Hoan nghi ngờ các triệu chứng trên không phải do cục máu đông mà do hội chứng co thắt mạch não có hồi phục (RCVS), được thúc đẩy bởi tình trạng tâm lý căng thẳng của người bệnh khi phải trải qua phẫu thuật.

Hội chứng này không thường gặp trên lâm sàng nên ít được chú ý, tuy nhiên đã được mô tả trong một số nghiên cứu, với các đặc điểm lâm sàng và hình ảnh học phù hợp, thêm vào đó có sự liên quan đến tiền căn đau đầu Migraine.

Kết quả chụp mạch máu não ghi nhận tình trạng co mạch đáng kể và người bệnh được điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, xuất viện trong tình trạng ổn định, hết nhìn mờ, không còn yếu liệt.

"Kiềng 3 chân” giúp phòng tránh các bệnh lý mạch máu

Bác sĩ Hoan cho biết, do hệ thống mạch máu đóng vai trò vận chuyển máu đi khắp cơ thể nên các bệnh lý mạch máu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tử vong và di chứng tàn tật suốt đời là những hậu quả nặng nề của các biến chứng từ bệnh lý mạch máu. Trong khi đó, các bệnh lý mạch máu thường diễn tiến âm thầm, ít có triệu chứng cảnh báo rầm rộ.

Để phòng tránh các bệnh lý mạch máu và những biến chứng nguy hiểm, bên cạnh hai yếu tố thường được khuyến cáo là chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh lý mạch máu đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ cao như: nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi; người có bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch; người thường xuyên hút thuốc lá, có lối sống không lành mạnh; người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý mạch máu…

"Phát hiện sớm các bệnh lý mạch máu và các nguy cơ sẽ giúp dự phòng hiệu quả, đồng thời cũng là cơ sở để các bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp khi điều trị các bệnh lý nền", bác sĩ Hoan khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.