Chiều 10.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 12 bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận trong vụ án giao đất giá rẻ gây thiệt hại 45,3 tỉ đồng.
"Dù sai hay không sai cũng tự nguyện nộp tiền"
Trong vụ án, ông Lương Văn Hải, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, bị cáo buộc cùng với cựu Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định giá đất tại thời điểm giao đất.
Việc này dẫn tới tỉnh Bình Thuận giao khu đất 92.600 m2 cho Công ty Tân Việt Phát áp giá năm 2013 thay vì năm 2017, gây thiệt hại ngân sách 45,3 tỉ đồng.
Sáng nay 10.5, trong phần trả lời HĐXX, ông Hải dù thừa nhận việc giao đất không đúng giá đã gây thiệt hại, nhưng cho rằng mình không có trách nhiệm đối với sai phạm, không có nghĩa vụ phải bồi thường. Với số tiền 500 triệu đồng mà vợ đã nộp để khắc phục hậu quả, ông Hải nói "không cần thiết".
Theo lời ông Hải, lĩnh vực đất đai không phải chuyên môn mà ông phụ trách, ông không có hiểu biết, cũng không để ý đến giá đất. Khi Sở TN-MT Bình Thuận đề xuất giao đất cho Công ty Tân Việt Phát, ông nhận thấy có cơ sở pháp lý, bao gồm việc giao đất không qua đấu giá và giá đất đã theo đúng quyết định phê duyệt từ năm 2013.
Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, khi trả lời câu hỏi của đại diện viện kiểm sát, ông Hải đã có sự thay đổi. Bị cáo nói không có ý chối bỏ trách nhiệm hoặc khẳng định mình không sai, và xin giải thích rõ hơn về lời khai trước đó, rằng muốn trình bày với HĐXX những việc mình đã làm, để HĐXX xem xét sai ở chỗ nào thì sẽ nhận trách nhiệm.
Về số tiền 500 triệu đồng, ông Hải nói nhận thấy tỉnh bị thiệt hại do việc giao đất không đúng giá, nên đã động viên gia đình nộp tiền, "dù sai hay không sai cũng tự nguyện nộp".
Được triệu tập tới tòa, vợ ông Hải vắng mặt và ủy quyền cho một người khác. Người này cho biết 500 triệu đồng nói trên là gia đình ông Hải tự nguyện nộp, trên cơ sở tác động từ phía ông Hải.
Đại diện viện kiểm sát nhắc lại lời khai trước đó của ông Hải về việc "không sai, không bồi thường" và hỏi có ý kiến gì không. Vị này cho rằng "có thể ông Hải không có ý như thế".
Ai phải hoàn trả tiền cho ngân sách?
Tại phiên tòa, UBND tỉnh Bình Thuận được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự. Đại diện cơ quan này bày tỏ tôn trọng kết quả định giá khi xác định số tiền thiệt hại là 45,3 tỉ đồng, mong muốn thu hồi cho ngân sách.
Khi HĐXX hỏi muốn yêu cầu ai hoàn trả số tiền trên, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị trách nhiệm thuộc về Công ty Tân Việt Phát.
Trình bày thêm, vị đại diện cho hay, thời điểm xảy ra vụ án, khu đất 92.600 m2 khi ấy chỉ là khu nghĩa địa với rất nhiều mồ mả, "không được mỹ quan lắm", "chưa kể dính đến yếu tố tâm linh", nên các nhà đầu tư không quan tâm. Trước áp lực thu ngân sách rất lớn, rất cấp thiết, các bị cáo vì mục đích chung cho tỉnh mà mắc sai phạm, chứ không vụ lợi hay có động cơ cá nhân nào khác.
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, vì họ là những người đã có nhiều năm công tác, có nhiều cống hiến cho địa phương, một số còn là con liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Trong khi đó, Công ty Tân Việt Phát được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có mặt tại tòa, đại diện công ty nói: nếu tòa xác định vụ án có thiệt hại thì công ty chấp nhận hoàn trả theo yêu cầu của nguyên đơn và phán quyết của HĐXX.
Viện KSND tối cao cáo buộc, hành vi phạm tội của các bị cáo dẫn đến Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi số tiền chênh lệch 45,3 tỉ đồng mà đáng ra phải nộp cho Nhà nước khi giao đất. Do đó, công ty có nghĩa vụ phải hoàn trả.
Quá trình điều tra, Công ty Tân Việt Phát từng có công văn xin nộp bổ sung toàn bộ 45,3 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa thực hiện.
Bình luận (0)