Khi Viện KSND tối cao (VKS) xét hỏi các bị cáo để làm rõ vai trò điều hành của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại SCB, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) bị cáo buộc về tội "tham ô tài sản".
Khi được VKS hỏi cách thức rút tiền của Trương Mỹ Lan, bị cáo Dung cho biết, khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức. Sau đó, đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty "ma" đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn, những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.
Tại tòa hôm nay, bị cáo Dung thừa nhận việc lập khoản vay, mượn tài sản của Trương Mỹ Lan là đúng.
Theo bị cáo Dung các khoản vay của Trương Mỹ Lan, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Trên hồ sơ các khoản vay thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện, hợp thức.
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu sếp SCB không biết Trương Mỹ Lan có bao nhiêu cổ phần
"Mong chị Lan sai thì nhận, không đổ lỗi cho ai"
Tại tòa, bị cáo Dung khai, bị cáo thường gặp Trương Mỹ Lan ở tầng 39 tòa nhà Times Square (Q.1), mỗi lần gặp để nghe Trương Mỹ Lan nói về nhu cầu vay của Trương Mỹ Lan, cần bao nhiêu tiền, thời gian dùng tiền, giải ngân vào đâu và tài sản đảm bảo là gì... Bị cáo Dung về SCB từ năm 2010, trải qua nhiều đời sếp, công việc của bị cáo kế thừa công việc Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB) xử lý định giá và nguồn tiền của Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Dung khai, mình rất ngưỡng mộ Trương Mỹ Lan, nên từ khi về làm việc tại SCB bị cáo rất trung thành với Trương Mỹ Lan.
"Tuy nhiên khi nghe phần trả lời của chị Lan sáng nay thì bị cáo rất buồn, bị cáo không trách chị Lan, chỉ tự trách bản thân mình tin không đúng người. Bị cáo sai thì nhận, không đổ lỗi cho ai, bị cáo hy vọng chị Lan cũng như vậy, tuy nhiên bị cáo thất vọng", bị cáo Trần Thị Mỹ Dung vừa nói vừa khóc.
Cựu Phó tổng giám đốc SCB: Hối hận vì đặt niềm tin vào Trương Mỹ Lan
Đại diện VKS hỏi tiếp, giữa năm 2022 bị cáo có lập thực trạng tài chính, thực trạng dư nợ cho Trương Mỹ Lan hay không và lý do bị cáo lập báo cáo đó làm gì? Bị cáo Dung trả lời làm theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan, để Trương Mỹ Lan nắm dư nợ tài sản đảm bảo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB. Bị cáo Dung chuyển báo cáo này cho Lan ở tầng 39 tòa nhà Times Square.
Bị cáo Dung khai thêm, sau khi SCB giải ngân cho hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì tiền dùng để mua dự án, trả chi phí cho dự án đang dở dang (xây dựng, trả tiền nhà thầu…), trả nợ, rút tiền mặt...
Phó tổng giám đốc SCB thừa nhận, thực hiện các khoản vay trên tài sản của Trương Mỹ Lan, bị cáo Lan sẽ nói số tiền vay, vay từ 70% - 80% giá trị đảm bảo. Trong quá trình làm việc có một số tài sản đơn vị định giá không đáp ứng được nhu cầu Trương Mỹ Lan thì bị cáo sẽ báo cáo lại cho Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng xác định, bị cáo Dung làm việc tại SCB từ tháng 5.2010 đến tháng 9.2022, trải qua các vị trí, chức vụ. Từ ngày 7.1.2021 đến 4.3.2022, Trần Thị Mỹ Dung là Phó tổng giám đốc được phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền, ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình các khoản vay trên 150 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các bị cáo tại SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng.
Bị cáo Dung biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma" do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống SCB là "HSTT - Hội sở tiếp thị"; giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Thực tế các đơn vị tại SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật. Năm 2021, Trần Thị Mỹ Dung được Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỉ đồng).
Cáo trạng thể hiện bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 200.690 tỉ đồng.
Vụ án Trương Mỹ Lan: Mâu thuẫn lời khai về những chuyến xe chuyển tiền từ SCB
Lái xe của Trương Mỹ Lan chở 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD đi đâu?
Theo cáo trạng, sau khi SCB giải ngân vào tài khoản của các cá nhân được thuê đứng tên khoản vay hoặc đứng tên thụ hưởng tiền vay thì các cá nhân này sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền.
Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp Nguyễn Phương Hồng hoặc Trần Thị Mỹ Dung chuẩn bị, đồng thời chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) đến SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền.
Sau khi rút tiền mặt khỏi quỹ, giao cho Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về nhà cho Trương Mỹ Lan tại khu căn hộ cao cấp Sherwood (số 127 Pasteur, Q.3, TP.HCM) giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (giúp việc của Trương Mỹ Lan) để Uyên giao tiền cho những người đến nhận theo chỉ đạo của Lan hoặc Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Cáo buộc thể hiện, từ ngày 26.2.2019 đến ngày 12.9.2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Bùi Văn Dũng đã vận chuyển số tiền 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về hầm B1, khu căn hộ cao cấp Sherwood (Q.3) hay giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng xác định số tiền trên, Trương Mỹ Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản, mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Bình luận (0)