Cứu rùa biển

28/12/2011 11:06 GMT+7

Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang vừa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đưa bãi đẻ rùa biển tại Đầm Tre về lại khu bảo tồn để cứu rùa biển.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang vừa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đưa bãi đẻ rùa biển tại Đầm Tre về lại khu bảo tồn để cứu rùa biển.

Theo Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang (gọi tắt là khu bảo tồn), loài rùa biển tại địa phương này đang đứng trước nguy cơ mất ổ do việc xây dựng ồ ạt. Hiện tỉnh Khánh Hòa có 2 bãi rùa đẻ là bãi Dài (thuộc vịnh Cam Ranh) và Đầm Tre (thuộc vịnh Nha Trang) nhưng bãi Dài sắp tới sẽ được triển khai nhiều dự án du lịch, còn Đầm Tre đã khởi công dự án trung tâm huấn luyện nghiệp vụ của Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa.

Theo PGS- TS Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, trước đây, Khánh Hòa có rất nhiều bãi rùa đẻ nhưng do tác động của con người nên hiện nay chỉ còn một bãi rùa đẻ tại Đầm Tre trong vịnh Nha Trang. Viện Hải dương học sẽ tìm hiểu thêm về quy mô, tính chất của công trình xây dựng tại Đầm Tre để có những đánh giá tác động cụ thể nhất đến bãi đẻ của rùa biển.

Thành lập khu cứu hộ rùa biển

Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn, bãi đẻ là do rùa biển tự chọn và được “định vị” từ hàng trăm năm nên dù có đi đâu, rùa vẫn về bãi đẻ, con người không can thiệp được vào sự lựa chọn này. Nếu phát hiện bãi đẻ không còn an toàn, chúng sẽ ra biển đẻ, khi đó tỉ lệ sống sót rất thấp (trong 1.000 đến 10.000 rùa non ra đời, chỉ có 1 con sống sót cho tới khi trưởng thành). Rùa biển là loài đặc biệt quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và trong danh mục các loài nguy cấp đang bị đe dọa tuyệt chủng, cấm buôn bán, vận chuyển theo Công ước Quốc tế CITES (Việt Nam có tham gia công ước này).

Liên quan việc Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa triển khai xây dựng trung tâm huấn luyện nghiệp vụ tại Đầm Tre, trong công văn phúc đáp đơn vị này về đề nghị hướng dẫn các biện pháp khoa học trong công tác bảo tồn rùa biển, Ban Quản lý Khu Bảo tồn nhấn mạnh việc chọn bãi đẻ đã được loài rùa biển xác định hàng trăm năm, vì vậy việc tập trung đông người, có ánh đèn chiếu sáng sẽ ảnh hưởng đến việc rùa lên bãi đẻ. Bên cạnh đó, cách nhặt trứng rùa biển mới nở cho vào lồng nuôi sẽ làm mất khả năng tự bảo vệ theo bản năng của rùa con và sẽ làm mồi ngon cho các loài khác.

Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ bãi đẻ cũng như bảo vệ loài rùa biển trong vịnh Nha Trang là không nên xây dựng trung tâm huấn luyện nghiệp vụ hoặc bất cứ các hoạt động nào tụ tập đông người ở đây. Chính vì vậy, trong kế hoạch bảo vệ vịnh Nha Trang, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chuyển khu vực Đầm Tre về khu bảo tồn để bảo vệ và duy trì bãi đẻ cho rùa biển cũng như có thể thành lập tại đây một khu cứu hộ rùa biển.


Rùa biển bị người dân đánh bắt được thả về vịnh Nha Trang

IUCN sẽ vào cuộc

Bà Bùi Thị Thu Hiền, quản lý chương trình biển và tài nguyên vùng bờ của IUCN, cho biết rùa biển là một trong những loài sinh vật lâu năm nhất trên trái đất. Chúng xuất hiện cùng thời với khủng long, tức là đã tồn tại gần 200 triệu năm. Rùa biển có tầm quan trọng cao đối với đa dạng sinh học vì là loài chỉ thị môi trường, nói một cách ngắn gọn: Nơi nào có rùa biển thì nơi đó môi trường rất tốt. Việt Nam là quốc gia khá may mắn khi thế giới có 7 loài rùa thì 5 loài hiện diện ở Việt Nam, thế nhưng rùa biển đang đứng trước những nguy cơ tuyệt chủng.

Cũng theo bà Hiền, thời gian trước, việc đánh bắt rùa và thu lượm trứng từ các bãi biển dẫn đến việc giảm số lượng làm tổ. Hầu hết những bãi biển trước đây ghi nhận sự xuất hiện của tổ rùa thì giờ đây hoàn toàn biến mất. Hiện nay, một nguy cơ mới không chỉ tại Khánh Hòa mà tình trạng chung của Việt Nam là nơi nào bờ biển có tiềm năng phát triển du lịch đều là nguy cơ mất “ổ” rùa biển.
“IUCN từng hỗ trợ Khánh Hòa trong việc lập khu bảo tồn với mục đích bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có rùa biển. Tuy dự án đã chấm dứt từ năm 2005 nhưng trước thông tin loài rùa biển đang bị đe dọa, IUCN sẽ tìm hiểu và trở lại địa phương này vì chúng ta vẫn có thể chọn cả hai: phát triển du lịch và giữ “ổ” cho rùa biển nếu nghiên cứu và tính toán kỹ”- bà Hiền khẳng định.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.