Cựu sếp WhatsApp hối hận khi bán ứng dụng cho Facebook

06/05/2022 14:53 GMT+7

Neeraj Arora, cựu Giám đốc kinh doanh WhatsApp, cho biết phiên bản hiện tại của ứng dụng này “chỉ là cái bóng của những gì chúng tôi muốn xây dựng”.

Với hơn 2 tỉ người dùng, WhatsApp là một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Facebook, chủ sở hữu hiện tại của ứng dụng, lại muốn nhiều hơn thế. WhatsApp đang được mở rộng sang các lĩnh vực mới, bao gồm mua sắm và thanh toán. Facebook thậm chí còn suy nghĩ về việc hiển thị quảng cáo trên WhatsApp, nhưng không phải ai cũng hài lòng với hướng đi này. Trên thực tế, những phát triển vừa nêu đã khiến một cựu giám đốc của WhatsApp tin rằng việc bán sản phẩm cho Facebook là sai lầm.

WhatsApp đang được mở rộng sang các lĩnh vực mới, bao gồm mua sắm và thanh toán

Reuters

Neeraj Arora, cựu Giám đốc kinh doanh của WhatsApp, cho biết trên Twitter rằng ông rất tiếc khi giao công ty cho Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg và cộng sự với giá 22 tỉ USD. “Năm 2014, tôi là Giám đốc kinh doanh của WhatsApp. Tôi đã giúp thương lượng giao dịch 22 tỉ USD cho Facebook. Hôm nay, tôi hối hận về điều đó”, ông Arora viết trên Twitter hôm 5.5.

Ông Arora lưu ý trong quá trình mua lại, Facebook (nay là Meta) đã hứa với đội ngũ WhatsApp rằng họ sẽ hoàn toàn độc lập trong các quyết định về sản phẩm và sẽ không thúc đẩy việc hiển thị quảng cáo trên ứng dụng. Đội ngũ WhatsApp cũng cố gắng đàm phán để đảm bảo sẽ không xuất hiện theo dõi đa nền tảng và khai thác dữ liệu người dùng, điều mà ban quản lý Facebook đã đồng ý vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Brian Acton, một trong những người đồng sáng lập WhatsApp, đã rời Facebook vào năm 2017, tiết lộ trong buổi phỏng vấn với Forbes rằng Facebook có kế hoạch hiển thị quảng cáo trên WhatsApp ngay cả trước khi thỏa thuận được thông qua. Năm 2018, Jan Koum, người đồng sáng lập khác của WhatsApp, và ông Arora đã quyết định rời công ty.

Neeraj Arora, cựu Giám đốc kinh doanh của WhatsApp, bày tỏ sự hối tiếc trên Twitter

chụp màn hình

Theo ông Arora, WhatsApp giờ chỉ là “cái bóng của một sản phẩm mà chúng tôi từng dồn hết tâm huyết và muốn xây dựng cho thế giới”, đồng thời nhấn mạnh ông “không phải là người duy nhất cảm thấy hối tiếc khi nó trở thành một phần của Facebook”. Cựu giám đốc kinh doanh WhatsApp cũng không hài lòng khi Facebook thu phí người tải ứng dụng. “Nếu bạn sử dụng WhatsApp trong những ngày đầu, bạn sẽ nhớ điều gì làm cho sản phẩm trở nên đặc biệt: đó là khả năng giao tiếp, kết nối quốc tế. Đối với những người có người thân sống ở nhiều quốc gia, WhatsApp là cách để duy trì kết nối mà không phải trả phí gọi điện hoặc SMS đường dài. Nhưng WhatsApp giờ đây đang kiếm tiền bằng cách tính phí người dùng 1 USD để tải xuống ứng dụng”.

Facebook có lịch sử nổi tiếng về việc người sáng lập những công ty được mua lại đã quyết định ra đi không lâu sau đó vì thực tiễn quản lý. Năm 2018, Kevin Systrom và Mike Krieger, hai người sáng lập Instagram, đã rời công ty vì căng thẳng với Zuckerberg về định hướng của ứng dụng. Người đồng sáng lập Oculus Nate Mitchell và cựu Giám đốc điều hành Brendan Iribe cũng rời bỏ gã khổng lồ truyền thông xã hội vì những khác biệt về quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.