Cứu sống bệnh nhân bị suy tim nặng sau ca mổ 'thập tử nhất sinh'

Đình Tuyển
Đình Tuyển
27/12/2018 20:19 GMT+7

Một bệnh nhân bị suy tim rất nặng , suy kiệt, cả năm nay không thể ngủ nằm vì mệt, khó thở, phù phổi cấp... vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ phẫu thuật cứu sống kỳ diệu.

Chiều 27.12, Ths.BS Lâm Việt Triều, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca bệnh suy tim nặng, đầy khó khăn, tỉ lệ cứu sống trước mổ rất “mong manh”.
Bệnh nhân là ông P.H.T (56 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) được chẩn đoán hở van 2 lá nặng do đứt toàn bộ dây chằng lá sau, hở van 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi rất nặng; rung nhĩ; suy tim độ 3.
Trước đó, ông T. nhập viện cấp cứu trong bệnh viện trong tình trạng mệt, khó thở, phù phổi cấp… do suy tim, tăng áp phổi gây ra. Khi nhập viện, bệnh nhân bị suy kiệt nặng, cao gần 1,7m nhưng chỉ nặng gần 40 kg.
Theo bà H.T.N.V (vợ bệnh nhân T), ông T đã được chẩn đoán bệnh từ rất lâu, đã đi khám và điều trị ở nhiều trung tâm lớn tại TP.HCM và được chỉ định điều trị nội khoa. Tuy nhiên, hầu hết đều “khuyên” cân nhắc phẫu thuật bởi bệnh nặng, khả năng thành công rất thấp.
“Vì sợ nên cứ để vậy, 1 năm nay bệnh trở nặng, tới mức cứ nằm xuống là mệt, thành thử ổng không thể ngủ nằm cả năm rồi. Sức khỏe kiệt quệ nên quyết định liều mổ. Bởi mổ thì còn có cơ may sống”, bà V. nói.
Qua quá trình thăm khám, theo dõi, làm các cận lâm sàng chẩn đoán; hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định điều trị nội khoa tích cực tình trạng suy tim, tăng áp lực động mạch phổi cho bệnh nhân trước khi quyết định can thiệp phẫu thuật khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
Sau quá trình điều trị nội khoa tích cực 1 tháng, tình trạng bệnh nhân cải thiện, bệnh viện đã chỉ định phẫu thuật tim để xử lý tổn thương van hai lá, sửa van 3 lá và kết hợp điều trị rung nhĩ bằng sóng cao tần. Ca mổ kéo dài 5 giờ, các bác sĩ đã thay van hai lá sinh học, sửa van 3 lá bằng vòng mềm cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lâm Việt Triều, ca bệnh trên rất khó bởi bệnh lý van tim nặng do thời gian bệnh kéo dài, quá trình phẫu thuật và hồi sức sau mổ gặp nhiều trở ngại, tỉ lệ tử vong cao.
Bác sĩ Triều nói: “Quá trình điều trị đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa điều trị nội khoa tích cực trước mổ và chọn lựa thời điểm phẫu thuật phù hợp cũng như chủ động tiên lượng các tình huống nặng sau mổ và có hướng xử trí chủ động. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt sẽ không còn tình trạng suy tim, khó thở, tăng áp phổi, phù phổi cấp…”.
Hiện tại, 1 tuần sau mổ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số tim mạch, hô hấp ổn định. Kết quả siêu âm tim tốt, áp lực động mạch phổi trở về bình thường. Bệnh nhân đã được chuyển đến khu hậu phẫu để tiếp tục điều trị nội khoa sau mổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.