Đến trưa 21.6, nữ bệnh nhân (BN) T.T.T (68 tuổi, ngụ H.Gò Quao, Kiên Giang) đã hồi phục tốt, chuẩn bị xuất viện trở về sống vui với gia đình, người thân.
Theo người nhà bà T, khoảng 14 giờ ngày 17.6 BN đang nấu ăn trong bếp thì bị rắn hổ mang trong bó củi bò ra cắn vào ngón cái bàn chân trái. Sau khi bị cắn BN tỉnh, đau bàn chân kèm sưng nề nhiều. Gia đình đưa BN đến thầy lang ở địa phương lấy nọc rắn. Tới 14 giờ 40 cùng ngày, khi đang được thầy lang lấy nọc rắn thì BN xuất hiện sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó thở… BN được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển gấp đến Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 121 hồi 18 giờ 40 ngày 17.6 trong tình trạng gọi hỏi không đáp ứng, liệt cơ toàn thân (cơ mi, cơ cắn, cơ tứ chi, cơ hô hấp), bóp bóng qua ống nội khí quản, mạch 110 l/p, huyết áp 100/60 mmHg. Hai móc độc cách nhau 1cm tại ngón cái bàn chân trái, có dấu hiệu hoại tử da, bàn chân trái sưng nề nhiều.
Thầy thuốc ưu tú, thượng tá, BS.CK2 Đặng Ngọc Thuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 121 cho biết BN T nếu không được cứu chữa kịp thời, đúng phương pháp khoa học thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. BN đã được hội chẩn viện cấp cứu, tiến hành duy trì thở máy kiểm soát, truyền huyết thanh kháng nọc rắn hổ theo phác đồ, tiêm phòng uốn ván, kháng sinh, corticoid, cân bằng dịch điện giải, chăm sóc tại chỗ vết cắn…Nhờ nỗ lực vượt bậc của các thầy thuốc cộng với việc đáp ứng điều trị tốt, đến 1 giờ 00 ngày 18.6 BN đã vượt qua cửa tử, tự mở mắt, sức cơ hồi phục dần từ cơ mi, cơ tứ chi, cơ hô hấp. Đến 8 giờ 30 ngày 18.6, bác sĩ gọi hỏi BN biết và thực hiện đúng y lệnh, vết thương không sưng nề thêm, sinh hiệu, đông cầm máu, chức năng gan, thận ổn định nên được tiến hành cai máy thỏ, rút ống nội khí quản thành công.
Hiện tại BN tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định, chỗ vết rắn cắn sưng nề giảm, đã được chuyển xuống khoa tiếp tục chăm sóc điều trị, chờ ngày xuất viện.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 3 triệu người bị rắn độc cắn. Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 30 ngàn người bị rắn độc cắn và số tử vong dao động từ 200- 300 người. Hiện nay số người bị tử vong do rắn độc cắn đã giảm do phần lớn nạn nhân được cấp cứu kịp thời. Huyết thanh kháng nọc độc rắn đã có ở nhiều bệnh viện tuyến chuyên khoa nên công tác cứu chữa cũng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do thiếu những thông tin cần thiết về phòng tránh và sơ cứu rắn độc cắn nên vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Những nạn nhân vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh, việc sơ cứu không đúng cách, vận chuyển đến các cơ sở y tế chậm đã dẫn tới tình trạng nhiễm độc nặng, để lại nhiều di chứng thậm chí tử vong.
Thầy thuốc ưu tú, đại tá, BS.CK2 Nguyễn Minh Thuần, Giám đốc Bệnh viện Quân y 121 lưu ý để phòng tránh rắn độc cắn cần chú ý những điều nên làm và không nên làm. Những điều nên làm là biết nhận dạng một số loài rắn độc, môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của chúng tại địa phương, khu vực sinh sống. Khi gặp rắn, mọi người cần tránh tiếp xúc gần, không nên làm những động tác đe dọa loài bò sát này. Mọi người cần cảnh giác bị rắn cắn trong những hoàn cảnh như ban đêm, sau cơn mưa, thời gian nước dâng, mùa thu hoạch nông sản, lao động tiếp xúc bụi rậm, xúc và vận chuyển đống gạch, đá. Đề phòng rắn biển cắn, ngư dân tránh động vào chúng, tránh bắt rắn trong lưới và trên đường đi. Đầu và đuôi rắn rất khó phân biệt. Mọi người có nguy cơ bị rắn biển cắn khi bơi lội, giặt quần áo nơi đầm thủy triều, cửa sông, bãi biển. Chúng ta phải đảm bảo những dụng cụ cần thiết khi đi rừng núi, đồng ruộng, nương rẫy. 2 chân lội vào khu vực rậm rạp, hang hóc cần mang ủng hoặc giày cao cổ và mặc quần áo vải dày che phủ kín các phần da hở, đội mũ nón rộng vành. Người đi bộ cần cầm gậy xua đuổi rắn trước khi vào khu vực cây cỏ rậm, nếu đi đêm phải có đèn, đuốc soi đường. Mọi người phải biết cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn. Người chuyên bắt rắn phải dùng các dụng cụ chuyên dụng và tránh sử dụng tay trần tiếp xúc trực tiếp.
Những điều không nên làm đối với rắn độc. Theo đó, mọi người cần tránh bước vào rừng, vườn cây nhiều cỏ khi chưa quan sát rõ và không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đất, đống đá, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối, bụi rậm. Chúng ta không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ, gỗ mục bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy hoặc phải mang găng cao su, đi giày); thận trọng khi phải kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm; không dùng tay bẻ cành cây, kiếm củi vào ban đêm; không đi chân trần vào rừng, nương rẫy nhất là vào ban đêm; không trêu chọc rắn độc; không nên ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm, thấp; thường xuyên kiểm tra những nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh lá, mái hiên nhà, tường rơm đất có khe nứt, khoảng trống không bịt kín của ván lót sàn.... "Khi đã bị rắn cắn, chúng ta không cần mất thời gian xác định chủng loại rắn, mà phải được sơ cứu nhanh, vận chuyển an toàn đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng hồi sức cấp cứu và có huyết thanh kháng nọc rắn độc càng sớm càng tốt. Người thân không đưa nạn nhân bị rắn cắn đi trị thầy lang, đắp thuốc, đắp lá, chích, rạch, giác hút, chườm đá, chích điện…vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu thêm, làm chậm được dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn. Trường hợp không có đủ các phương tiện sơ cấp cứu, hoặc không biết cách sơ cứu thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân bằng bất cứ phương tiện nào khả thi nhất, không để mất nhiều thời gian vì chờ lực lượng y tế hay tổ cấp cứu chuyên nghiệp. Nếu bắt được rắn hoặc thu được xác rắn thì cho vào túi đựng an toàn và vận chuyển theo cùng với nạn nhân…", BS.CK2 Nguyễn Minh Thuần thông tin.
Bình luận (0)