Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu, tràn máu màng phổi

Lê Cầm
Lê Cầm
20/05/2022 10:51 GMT+7

Nam bệnh nhân N.Đ.V (34 tuổi, ở TP.HCM) nhập viện cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc được, tụt huyết áp, máu chảy nhiều tại vị trí vết thương vùng lưng.

Thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ngày 20.5 cho biết, tại khoa Cấp cứu, ngay khi tiếp nhận, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ.

Sau khi thăm khám lâm sàng, chụp phổi và siêu âm tại giường, các bác sĩ hội chẩn, thống nhất chẩn đoán đây là một trường hợp sốc mất máu do vết thương ngực bụng gây tràn máu màng phổi phải và tràn máu ổ bụng lượng nhiều.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp quyết định đặt dẫn lưu màng phổi phải, đồng thời chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân để nhanh chóng kiểm soát chảy máu.

Theo các bác sĩ, đây là vết thương ngực bụng phức tạp, gây tràn máu màng phổi phải, rách thành bên tĩnh mạch chủ dưới, đứt tĩnh mạch thận, rách ngang thận 3 cm, đứt đôi tá tràng, rách mặt trước thân tụy... Bệnh nhân bị mất nhiều máu, lượng máu mất trong ổ bụng và màng phổi phải trên 3000 ml.

Bệnh nhân vừa được truyền máu vừa được ê kíp bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Ngoại niệu tiến hành khâu lại tĩnh mạch chủ dưới, khâu bảo tồn thận, khâu nối lại tá tràng và dẫn lưu, khâu lại bao tụy, rửa bụng đặt dẫn lưu. Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân có ngưng tim 1 lần, được hồi sức bơm máu, thuốc vận mạch.

Bệnh nhân hồi tỉnh sau quá trình được các bác sĩ cấp cứu

bvcc

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức với tình trạng thở máy và suy đa cơ quan do sốc mất máu. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ổn định cai máy thở rút dẫn lưu màng phổi, rút ống nội khí quản.

Hiện tại bệnh nhân tạm ổn định, đi lại được. Tuy nhiên, cần phải điều trị thêm một thời gian nữa.

Theo TS.BS Huỳnh Thanh Long, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sốc mất máu do vết thương dao đâm gây tổn thương tá tràng là một tình trạng rất nặng, một cấp cứu tối khẩn, cần có sự phối hợp kịp thời giữa các chuyên khoa, vì tá tràng liên quan rất nhiều cơ quan có thể cùng bị tổn thương như mạch máu lớn, tụy, đường mật…

Do đó, nếu phát hiện trễ, sót thương tổn, bệnh nhân có thể tử vong do mất máu, do nhiễm trùng từ dịch tụy, mật và dịch tiêu hóa. Việc xử trí vết thương tá tràng đòi hỏi kíp phẫu thuật phải có nhiều kinh nghiệm và đánh giá chính xác thương tổn để chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, nhờ có quy trình báo động đỏ và phối hợp tốt các chuyên khoa nên bệnh nhân đã được cứu sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.