Cứu sống cụ bà bị sỏi bàng quang nặng gần 1 kg kèm bệnh tim nặng

Đình Tuyển
Đình Tuyển
03/09/2019 13:45 GMT+7

Quá trình phẫu thuật cho cụ bà 84 tuổi, các bác sĩ đã lấy ra khỏi bàng quang bệnh nhân rất nhiều sỏi với tổng trọng lượng hơn 0,9 kg, trong đó viên sỏi lớn nhất nặng khoảng 0,5 kg.

Sáng 3.9, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết Khoa Ngoại niệu của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp sỏi bàng quang kích thước lớn hiếm gặp trên bệnh nhân 84 tuổi, bị bệnh lý tim mạch nặng đi kèm.
Bệnh nhân là cụ bà H.Th.L (ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được chuyển từ Bệnh viện Cà Mau lên Cần Thơ với chẩn đoán: sỏi bàng quang, hẹp van động mạch chủ, hẹp van hai lá nặng. Bệnh nhân có triệu chứng tiểu khó, tiểu gắt, đau vùng hạ vị, đau nhiều vùng hông lưng phải kéo dài hơn 10 năm.
Khoảng 10 ngày trước nhập viện, triệu chứng của bệnh nhân nặng hơn với tiểu ra máu, đau vùng hạ vị, tiểu không kiểm soát nên nhập viện tại địa phương điều trị được 1 tuần, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tại đây, kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có sỏi bàng quang to, chụp X-quang và CT Scan thấy thận (P) ứ nước độ I, niệu quản (P) dãn đến bàng quang, rất nhiều sỏi chiếm hết lòng bàng quang, trong có một viên sỏi nằm cạnh phải bàng quang to khoảng 12 cm nằm trong túi thừa bàng quang, thận phải ứ nước độ I nhu mô thận phải còn dầy.
Bên cạnh đó, kết quả siêu âm tim màu cho thấy bệnh nhân bị tổn thương hẹp hở van 2 lá mức độ trung bình, hở van chủ mức độ nặng, hẹp van động mạch chủ mức độ trung bình, tăng áp phổi. Ngoài ra bệnh nhân cũng có bệnh lý tăng huyết áp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Theo BSCK2 Trần Huỳnh Đào, trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện: trường hợp trên có yếu tố nguy cơ rất cao khi gây mê bởi bệnh lý van tim nặng phối hợp và lớn tuổi, trong đó hẹp van động mạch chủ có nguy cơ cao nhất trong số các bệnh van tim.
“Điều khá thuận lợi là thời gian qua, bệnh viện đã từng gây mê rất nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý tim mạch nặng đi kèm, trong đó có trường hợp thay khớp háng cho bệnh nhân 98 tuổi, bệnh tim nặng. Vì vậy với trường hợp này, quan trọng là lựa chọn phương pháp vô cảm và thuốc gây mê phù hợp bệnh lý của bệnh nhân”, BS Đào nói. 
Sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, ê kíp phẫu thuật Khoa Ngoại niệu, Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công, thời gian kéo dài trong 50 phút.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra rất nhiều sỏi từ 3 cm - 8 cm (khoảng 15 viên); trong đó có một viên sỏi kích thức to nhất khoảng 12 cm x 10 cm (nặng 0,5kg) nằm trong một túi thừa bên phải, cạnh bàng quang đè lên niệu quản vùng chậu phải, gây ứ nước thận, mô xung quanh túi thừa rất dính do viêm. Các bác sĩ đã bóc tách túi thừa lấy sỏi 12 cm x10 cm ra khỏi túi thừa bên phải bệnh nhân. Sau đó cắt túi thừa và khâu tạo hình lại bàng quang để tránh trường hợp tái phát sỏi. Tổng lượng sỏi các bác sĩ lấy ra khỏi bàng quang bệnh nhân 84 tuổi này nặng hơn 0,9 kg.
Hiện tại, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đang được điều trị, theo dõi và chăm sóc tại khoa Ngoại Niệu, dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong hai ngày tới.
Theo Ths.BS Trương Minh Khoa (Khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), khi được chẩn đoán sỏi bàng quang, bệnh nhân cần đến bệnh viện để xử lý sớm, bởi sỏi bàng quang nhỏ, có thể tán sỏi nội soi, khả năng phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo, đặc biệt, bệnh nhân không phải trải qua một ca mổ lớn như với sỏi bàng quang lớn…
Để phòng ngừa sỏi bàng quang hằng ngày cần uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày) và tránh thói quen nhịn tiểu. Cần vận động cơ thể đều dặn bằng hình thức tập thể dục, đi bộ, bơi và không nên ngồi, nằm một chỗ với thời gian lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.