Cứu sống kỳ diệu người mẹ trẻ 2 lần ngưng tim vì biến chứng sốt xuất huyết

Đình Tuyển
Đình Tuyển
07/09/2022 19:12 GMT+7

Sau 2 lần choáng tim, ngưng tim, ngưng thở cùng biến chứng suy đa tạng nặng nề vì sốt xuất huyết, nữ bệnh nhân 29 tuổi vừa được bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống.

Chỉ còn 1% hy vọng

Chiều 7.9, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, biến chứng suy đa tạng rất nặng, đặc biệt bị choáng tim, ngưng tim 2 lần.

Đến sáng 7.9, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân L.T.H.T dần ổn định, không dấu hiệu suy tim

ĐÌNH TUYỂN

Trước đó, bệnh nhân L.T.H.T (29 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) bị sốt xuất huyết đến điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân đột ngột tụt huyết áp do rối loạn nhịp nhanh thất, ngừng tim. Sau khi cấp cứu, sốc điện và có lại nhịp tim, bệnh nhân được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5 biến chứng viêm cơ tim cấp, choáng tim - suy đa tạng.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - chống độc BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị thì đột ngột suy hô hấp, ngừng tim lần hai, ngừng thở.

Cứu sống kỳ diệu người mẹ hai lần ngưng tim vì sốt xuất huyết

Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhân bị suy tim cấp rất nặng và suy hô hấp phải thở máy. Đặc biệt là ngừng tim phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, đặt máy tạo nhịp tạm thời, đồng thời phải điều trị các thuốc hỗ trợ về tim mạch liều rất cao để duy trì tính mạng trước khi can thiệp kỹ thuật cao hơn như ECMO.

Bệnh nhân L.T.H.T khi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch

ĐÌNH TUYỂN

Anh Lê Hoàng Giang, anh trai bệnh nhân, nhớ lại: “Lúc ngưng tim lần hai, bác sĩ cũng nói là tình trạng rất nguy kịch có thể ngưng tim lần nữa bất cứ lúc nào, chỉ còn 1% hy vọng cứu sống. Lúc đó gia đình hoang mang tột độ, thấy không còn gì nữa rồi”.

Thoát nguy 3 lần, chờ ngày về với con thơ

Trước diễn tiến quá nặng của bệnh nhân T., các bác sĩ đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO-VA nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho bệnh nhân.

Theo BS Phước, kỹ thuật ECMO tức phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, được xem là cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân nguy kịch. Sau 5 ngày can thiệp ECMO, tình trạng của bệnh nhân T. cải thiện dần và ngưng ECMO thành công. Tuy nhiên, trong quá trình cai máy thở sau đó, bệnh nhân lại đột ngột tiến triển viêm tụy cấp, viêm phổi nặng… Thêm một lần nữa sự sống của người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau gần 3 tuần nỗ lực “còn nước còn tát” của các bác sĩ, bệnh nhân đã dần hồi phục kỳ diệu

ĐÌNH TUYỂN

Phải mất gần 3 tuần các bác sĩ nỗ lực “còn nước còn tát”, đến ngày 6.9, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt và hồi phục ngoạn mục. Đến sáng 7.9, các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh dần ổn định, không dấu hiệu suy tim.

Chị T. cho biết hiện giờ chỉ mong sớm được xuất viện về nhà với hai con thơ

ĐÌNH TUYỂN

Các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng thông tin, đến nay đã có 20 trường hợp bệnh nhân được can thiệp ECMO tại bệnh viện nhưng bệnh nhân T. là trường hợp đầu tiên thực hiện ở bệnh nhân viêm cơ tim - choáng tim do biến chứng của bệnh sốt xuất huyết. Một lần nữa ECMO - một kỹ thuật được ví như cơ hội cuối cùng cho những ca nguy kịch đã giành lại sự sống cho một bệnh nhân, một người mẹ trẻ của hai con thơ.

Theo BS.CK2. Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, các biến chứng tim trong bệnh sốt xuất huyết Dengue trước đây được cho là rất hiếm, nhưng ngày càng xuất hiện trên lâm sàng nhiều hơn. Các biến chứng trên tim thường thấy của bệnh sốt xuất huyết bao gồm tràn dịch màng ngoài tim, viêm cơ tim, block nhĩ thất, ngoại tâm thu và rung nhĩ. Đặc biệt ở những bệnh nhân bị biến chứng suy tim nặng, viêm cơ tim cấp hoặc choáng tim, thì can thiệp ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) qua tĩnh mạch - động mạch (VA ECMO) được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, ECMO là một kỹ thuật phức tạp, chi phí cao, cần ê kíp bác sĩ chuyên nghiệp để vận hành và thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.