Chỉ với những triệu chứng ban đầu như sốt, ho, mệt mỏi, rồi nhanh chóng diễn tiến nặng, bệnh nhân Trần Thị Thúy Hồng (22 tuổi, ở Đại Lộc, Quảng Nam) đã được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng suy hô hấp, trụy mạch, khi đang mang thai ở tuần thứ 21.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) cho biết các xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là một tình trạng nhiễm vi rút, gây biến chứng viêm phổi và tổn thương cơ tim. Các biện pháp hồi sức ban đầu nhanh chóng được triển khai, bệnh nhân được cho thở máy, dùng thuốc vận mạch, sử dụng hệ thống theo dõi huyết động liên tục PiCCO đồng thời tiến hành siêu lọc máu sớm nhằm cải thiện tình trạng suy đa tạng. Lúc này mục tiêu trước mắt của các bác sĩ là ưu tiên đảm bảo tính mạng cho người mẹ trước.
Sau 4 ngày điều trị, mặc dù các biện pháp hồi sức tích cực đều đã được áp dụng nhưng tình trạng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, huyết động vẫn còn rối loạn, suy đa cơ quan, tổn thương phổi tiến triển và đang có dấu hiệu suy thai cấp. Nguy cơ mất cả mẹ lẫn con đang rõ ràng hơn lúc nào hết. Gia đình bệnh nhân cũng đã phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra.
Trong nỗ lực nhằm tìm kiếm hy vọng sống cho bệnh nhân, TS.BS Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - đã hội chẩn ngay trong đêm cùng với các bác sĩ điều trị tìm mọi cách cứu tính mạng của bệnh nhân.
Nhận định bệnh nhân viêm cơ tim cấp, bội nhiễm phổi đang phải sử dụng nhiều thuốc vận mạch phối hợp cùng với thở máy áp lực cao, tuy có thể duy trì cung cấp ô xy cho cơ thể nhưng lại khiến tim đang yếu phải tăng hoạt động và ảnh hưởng xấu đến thai, nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình thì thai nhi trong bụng sẽ tử vong và tính mạng bệnh nhân cũng không được đảm bảo.
Phương án được các bác sĩ đưa ra là sử dụng hệ thống ECMO - trao đổi ô xy màng ngoài cơ thể, phối hợp với các biện pháp hồi sức khác, cứu sống cả hai mẹ con. Sau khi kết nối với hệ thống ECMO, tim và phổi được "nghỉ ngơi" đồng thời hoạt động tưới máu cho thai được tăng cường.
“Quá trình tiến hành kỹ thuật tuy không quá phức tạp nhưng các báo cáo trên thế giới về việc tiến hành ECMO cho bệnh nhân đang mang thai đã ghi nhận nhiều nguy cơ nặng nề, trong đó đáng ngại nhất là tình trạng xuất huyết ồ ạt. Tại Việt Nam vẫn có rất ít bệnh nhân là thai phụ phải làm ECMO nên kinh nghiệm chưa nhiều. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con, cùng với quy trình theo dõi nghiêm ngặt, các biến đổi của bệnh nhân dù là nhỏ nhất đều được ghi nhận và xử lý kịp thời, các chỉ số dần dần cải thiện”, TS.BS Lê Đức Nhân cho biết.
Sau 4 ngày chạy ECMO, chức năng tim và huyết động của bệnh nhân dần ổn định, đặc biệt là thai nhi vẫn phát triển tốt, các bác sĩ quyết định ngưng hỗ trợ ECMO và tiếp tục hồi sức tích cực. Hiện tại, bệnh nhân đã dần hồi phục, cai được máy thở và sẽ sớm được ra viện.
Mặc dù chi phí để tiến hành kỹ thuật quá lớn so với khả năng của gia đình, nhưng trong quá trình điều trị, thông qua phòng công tác xã hội bệnh viện và phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Thanh Niên, bệnh nhân đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, cá nhân.
Phương pháp ECMO được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện Đà Nẵng, nhưng đây là lần đầu tiên kỹ thuật ECMO được áp dụng cho một bệnh nhân đang mang thai và đã góp phần quan trọng để cứu sống cả hai mẹ con.
Bình luận (0)