Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long ngày 13.3 cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa nỗ lực cứu sống và nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 1,6 kg bị suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh.
Trước đó, thai phụ Đ.N.S.C (35 tuổi, ngụ H.Kế Sách, Sóc Trăng) mang thai 32 tuần, sau 1 ngày nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long theo dõi thì có dấu hiệu đau bụng kèm theo ra huyết âm đạo. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ, dọa sinh non, liền chuyển đến phòng sinh có ê kíp bác sĩ khoa Nhi hỗ trợ.
Sau khoảng 30 phút trong phòng sinh, các bác sĩ đã bắt thành công bé gái sinh non nặng 1,6 kg. Lúc mới chào đời, bé trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu suy hô hấp: khóc yếu, thở co lõm ngực, tím tái toàn thân, trương lực cơ yếu, chỉ số Apgar thấp. Ngay lập tức, bác sĩ chuyên khoa Nhi tiến hành bóp bóng qua mặt nạ, sau 5 phút bé hồng hào trở lại. Sau đó, bé được chuyển NICU (Đơn vị hồi sức chăm sóc tích cực sơ sinh tại Khoa Nhi).
Tại đây, bé được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ nằm lồng ấp, thở áp lực dương liên tục qua đường mũi (NCPAP) để điều trị suy hô hấp, kiểm soát thân nhiệt, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, kháng sinh và cho ăn sữa mẹ sớm.
Sau 12 ngày điều trị tích cực, bé ngưng tất cả các can thiệp y tế, tự thở, phản xạ bú và ăn được sữa mẹ tốt, chuyển về Khoa Nhi theo dõi. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi ổn định.
BS.CK1 Phạm Thanh Huy (Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết bé sinh non, nhẹ cân. Các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là phổi còn non yếu, chưa trưởng thành nên trẻ thường mắc phải bệnh lý sơ sinh nguy hiểm như hội chứng suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn sơ sinh, hạ thân nhiệt, vàng da nặng, bệnh lý tim, viêm ruột, bệnh lý về thị giác… nên cần được chăm sóc tích cực với đầy đủ phương tiện. Nếu không được chăm sóc đặc biệt, trẻ sẽ suy hô hấp, suy tuần hoàn, kém phát triển về thể chất, trí tuệ, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Huy khuyến cáo, thai phụ trước và trong giai đoạn mang thai cần tiêm ngừa đầy đủ, theo dõi thai kỳ đúng lịch hẹn của bác sĩ, kiểm soát các bệnh lý như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, cường giáp… Đồng thời, cần theo dõi cử động thai kỳ thường xuyên, nhất là 3 tháng cuối. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết âm đạo, chóng mặt, … nên đi khám sớm để bác sĩ xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến mẹ và bé. Nếu có nguy cơ sinh non, thai phụ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về sơ sinh để có giải pháp dự phòng và điều trị tốt nhất.
Bình luận (0)