'Cứu' thí sinh ?

07/08/2013 03:00 GMT+7

Trường ĐH Y Hà Nội lấy điểm trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa là 28, như vậy số thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn trượt. Để “cứu” các thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm, trường đã có “giải pháp” đề xuất xin Bộ GD-ĐT cho thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách.

Trường ĐH Y Hà Nội lấy điểm trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa là 28, như vậy số thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn trượt. Để “cứu” các thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm, trường đã có “giải pháp” đề xuất xin Bộ GD-ĐT cho thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách.

 “Cứu” hay không? Một câu hỏi mà ngành giáo dục cần phải cân nhắc thật kỹ, không thể dựa vào bất cứ lý do gì theo cảm tính mà cần phải xét ở nhiều góc độ xã hội khác.

Trước đây, chỉ tiêu hằng năm là do Bộ GD-ĐT giao cho các trường. Thế nhưng 2 năm gần đây, theo quy định, các trường phải tự xác định chỉ tiêu của mình dựa vào năng lực đào tạo và số giảng viên/sinh viên. Về nguyên tắc, các trường phải tính toán đầu ra sao cho đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực cho toàn xã hội. Vì thế, câu trả lời “cứu” hay không “cứu” của ngành giáo dục ít nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác, như: y tế, lao động - thương binh - xã hội.

Dựa vào chỉ tiêu của Bộ và số liệu của Trường ĐH Y Hà Nội, nếu “cứu” số thí sinh này thì trong vòng 7 năm nữa, xã hội sẽ dôi dư gần 600 bác sĩ. Đó là chưa nói các trường đào tạo ngành y khác cũng có thí sinh đạt điểm cao mà không trúng tuyển cũng sẽ đưa ra “giải pháp” tuyển thêm theo hình thức ngoài ngân sách như Trường ĐH Y Hà Nội, thì số lượng bác sĩ tương lai sẽ tăng nhiều hơn con số nói trên. Liệu việc làm sau khi ra trường có đảm bảo? Cán cân ngành nghề có được cân đối? Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Đó là chưa nói đến băn khoăn: vì sao khi xác định năng lực đào tạo thì chỉ chừng đó chỉ tiêu, còn lúc xin ngoài ngân sách (thu học phí cao) tự nhiên năng lực có thể tăng lên tức thời?

Liên hệ với câu chuyện chỉ tiêu tuyển sinh, việc buông lỏng quản lý để các trường tuyển vượt chỉ tiêu trong nhiều năm trước đã tạo ra mất cân đối ngành nghề, sinh viên ra trường thất nghiệp đại trà như hiện nay là một bài học xương máu mà Bộ GD-ĐT không được quên!

Bất cứ một động thái nào (hạ điểm chuẩn, tuyển sinh ngoài ngân sách) sẽ làm giảm giá trị đào tạo, cũng như đánh mất thương hiệu của một ngành cần phải có chất lượng cao như ngành y. Đừng để ngành y phải “ôm hận” như sư phạm, một thời vàng son thì nay đã hoàn toàn mất sức hút, chất lượng đầu vào thấp, đào tạo bất chấp nhu cầu, sinh viên ra trường không xin được việc làm…

Xét ở một góc độ khác, tạm gác chế độ ưu tiên quá bất cập hiện nay của Bộ GD-ĐT sang một bên, đã là thi tuyển thì phải chấp nhận “cuộc chơi” thắng - thua. Vì thế, việc không đạt khi có quá nhiều người giỏi hơn mình cũng là chuyện bình thường.

Thi mỗi môn hơn 9 điểm mà không đậu vào trường mình từng ao ước thì quả là một điều đáng tiếc. Thế nhưng, nếu đậu vào rồi, dồn sức học 7 năm trời, tốn kém bao nhiêu là tiền của, khi ra trường lại không có việc làm do quá đông người học thì càng đáng tiếc hơn. Chính vì thế, phụ huynh và thí sinh cần phải lựa chọn một cách hợp lý hơn.

Võ Ba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.