Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Trong số các bị can, 21 người bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 23 người bị đề nghị truy tố tội "đưa hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "môi giới hối lộ", 2 người bị đề nghị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong số bị can bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" có ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng thường trực; ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và nhiều cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola.
Theo kết luận điều tra, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được Đảng, Nhà nước và dư luận đặc biệt quan tâm, xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh mà bất chấp các quy định pháp luật vì lợi nhuận, cá nhân.
Trong vụ án, bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi các thành viên trong tổ công tác của 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, GTVT, Quốc phòng) xin ý kiến.
Xem nhanh 20h ngày 19.4: Quốc tịch bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn | Nữ tiếp viên ròng rã chờ bồi thường
Quá trình thực hiện, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay "combo".
Đổi lại, ông Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng (14,1 tỉ đồng và 320.000 USD) của đại diện các doanh nghiệp.
Đối với bị can Nguyễn Thị Hương Lan, Cơ quan An ninh điều tra xác định người này đã lợi dụng chủ trương, chính sách để tham mưu Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ giao Cục Lãnh sự là đơn vị chủ trì, phối hợp với 5 bộ xét duyệt, cấp phép thực hiện chuyến bay cho doanh nghiệp, nhưng lại làm trái quy định.
Quá trình thực hiện, bà Lan đã hướng dẫn doanh nghiệp "thân cận" mượn nhiều pháp nhân khác nhau để xin chuyến bay và chỉ đạo cấp dưới chọn doanh nghiệp "thân cận" đưa vào kế hoạch bay.
Sau khi được tổ công tác của 5 bộ đồng ý, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, thực hiện theo đề xuất của các doanh nghiệp thân cận được bay trước.
Đối với các doanh nghiệp khác, bà Lan chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số lượng công dân trên chuyến bay… khiến các doanh nghiệp bị động, buộc phải tách chuyến, "chạy" xin thêm công dân để đủ ghế trên chuyến bay.
Theo kết luận điều tra, mặc dù gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng bà Lan chỉ tiếp xúc với những doanh nghiệp lớn, "thân cận" hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp chứ không tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp nhỏ hoặc không thân quen.
Cơ quan An ninh điều tra xác định đã có 8 đại diện các doanh nghiệp liên hệ, đưa hơn 25 tỉ đồng (20,2 tỉ đồng và 210.000 USD) cho bà Lan để được tổ chức chuyến bay "combo".
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra xác định bị can Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự cũng nhận hối lộ hơn 12 tỉ đồng để ủng hộ, thực hiện theo định hướng của bà Lan.
Xem nhanh 12h ngày 4.4: Thanh tra toàn diện TikTok | Hà Nội nhổ 'hàng cây tiền tỉ mãi không ra lá’
Bình luận (0)