Vụ việc xảy ra hơn 1 năm trước. Tại phao số 0 ngày 2.10.2008, những thuyền viên may mắn sống sót của hai tàu Yinson power 1, 2 (Indonesia) bị nạn trong cơn bão Mekkhala đã được Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân bàn giao cho Bộ đội Biên phòng và UBND TP Đà Nẵng sau 72 giờ chống chọi với bão dữ.
Vào khoảng 8 giờ 5 phút ngày 30.9.2008, nhận được tin báo cấp cứu của tàu Yinson power 2, cách phía tây đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) chừng 35 hải lý, ngay lập tức, Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân điều động hai tàu Vạn Hoa 714 và 715 đang làm nhiệm vụ tuần tra, bắn pháo hiệu báo bão đến ứng cứu. Khi cơn bão xảy ra, tàu Yinson power 1 đang lai dẫn tàu Yinson power 2 bị hỏng máy. Đây là 2 con tàu mang quốc tịch Indonesia. Theo lời kể của thuyền trưởng tàu Yinson power 1, Johanes D.Parera (32 tuổi) thì tàu bị hỏng máy từ 3 giờ sáng 29.9. Hơn 2 giờ chống chọi, mặc dù đã cố gắng áp sát tàu Yinson power 2 nhưng bánh lái tàu này không thể điều khiển được.
Một cột sóng cao quá mặt tàu ụp xuống. “Trong chớp mắt, tất cả chúng tôi đã bị đánh úp xuống dòng nước lạnh”, Johanes D.Parera nói. Trên con tàu Yinson power 1 lúc đó có 6 thuyền viên, 4 người đã được cứu vớt kịp thời. Hai người xấu số là máy trưởng Mohammad Darby (54 tuổi) bị chết đuối và thuyền viên Jant Je Manope (45 tuổi) thì không tìm thấy xác. Những người còn sống đã được tàu Yinson power 2 (có 7 thuyền viên) vớt lên và phát tín hiệu cấp cứu. May mắn thay, cách đó vài hải lý, tàu Portkelang (Singapore) đã nhận được tín hiệu.
Các thuyền viên Indonesia trong phút chia tay trước khi về nước - Ảnh: Văn Thống |
Tuy nhiên, trưa 30.9, tàu Portkelang đã chở 4 thuyền viên người Singapore trên 2 tàu này về nước. Số còn lại hầu hết là thuyền viên Indonesia cùng 2 tàu (1 tàu đã hỏng máy) đành ở lại giữa biển khơi và sau đó, đã được Hải quân Việt Nam ứng cứu kịp thời. Giữa tình thế nguy cấp khi sóng gió vẫn dữ dội, các chiến sĩ hải quân Việt Nam phải đảm bảo giúp các thuyền viên ổn định sức khỏe (vốn đã suy kiệt vì vật lộn với lưỡi hái tử thần), mặt khác phải lai dắt cho được tàu Yinson power 2 đang bị hỏng máy hoàn toàn về đất liền. Không phút chần chừ, Bộ tư lệnh Vùng 3 hải quân đã tiếp tục điều thêm tàu HQ629 cùng 1 bác sĩ, 2 y sĩ quân y và thuốc men, lương thực ra ứng cứu.
Các thuyền viên đã được bác sĩ của tàu HQ629 chăm sóc tận tình, giúp phục hồi sức khỏe và ổn định tinh thần ngay khi tiếp cận. Riêng thi thể người xấu số đã được quân đội Việt Nam khâm liệm ngay trên tàu. Được biết, để có thể đưa các thuyền viên và tàu an toàn cập bờ, Vùng 3 hải quân đã điều động tổng cộng 4 tàu cùng gần 70 cán bộ chiến sĩ.
Ngay sau khi về đất liền, các thuyền viên được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng bố trí đưa về nghỉ tại khách sạn Bạch Đằng, phục vụ ăn ở chu đáo trong lúc chờ liên lạc với đại sứ quán. Thi thể thuyền viên bạc mệnh được mang về bảo quản tại Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi, những người có mặt tại phao số 0 lúc ấy, khi diễn ra cuộc tiếp đón những thuyền viên Indonesia may mắn thoát chết từ lưỡi hái tử thần, vẫn còn nhớ như in ánh mắt cảm kích của những thủy thủ nước bạn trước sự nhiệt tình, ân cần của người Việt; nhớ như in giọt nước mắt nghẹn ngào xúc động: “Chúng tôi rất cảm ơn các bạn, rất cảm ơn. Chúng tôi như được sinh ra lần thứ 2!” của thuyền trưởng Johanes (Indonesia) của tàu Yinson Power 1 dưới cơn mưa xối xả...
* Ngư dân và Bộ đội biên phòng Bình Định từng cứu sống nhiều thuyền viên Indonesia bị nạn trên biển. Theo hồ sơ lưu trữ của bộ đội biên phòng, vụ cứu nhiều thuyền viên Indonesia nhất là vào năm 2005. Tàu Sungaidigun với 17 thuyền viên bị nạn trôi dạt vào vùng biển Lộ Diêu (H.Hoài Nhơn). Sau khi phát hiện, bộ đội biên phòng và ngư dân địa phương đã kịp thời ra ứng cứu, đưa các thuyền viên vào bờ chăm sóc sức khỏe chu đáo; cung cấp lương thực, thực phẩm, áo quần… trước khi hoàn tất các thủ tục trở về nước. * Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2004 đến nay, ngư dân trong tỉnh đã cứu 46 người nước ngoài trôi dạt trên biển. Trong đó có 22 người Thái Lan, 17 người Campuchia, 5 người Myanmar và 1 người Malaysia. Phần lớn số người này gặp nạn do bị mưa bão. Toàn bộ người nước ngoài này đều được ngư dân và bộ đội biên phòng chăm sóc sức khỏe chu đáo, đối xử tử tế và tổ chức bàn giao về nước họ. * Theo thượng tá Huỳnh Ngọc Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu, vào khoảng tháng 6.2001, một tàu đánh cá của Bạc Liêu đã phát hiện và cứu 6 ngư dân Myanmar trôi trên biển trong tình trạng kiệt sức. Theo lời kể của các nạn nhân thì họ bị thuyền trưởng bạc đãi, đối xử thậm tệ và xô xuống biển. Sau hai ngày ôm phao chống chọi với sóng to, gió lớn thì được tàu cá của VN cứu vớt. Cả 6 ngư dân trên được các chiến sĩ Đồn biên phòng 664 (P.Nhà Mát, TX Bạc Liêu) lo chỗ ở, cơm ăn, áo mặc, thuốc men... suốt 5 tháng liền. Sau đó, thông qua đại sứ quán nước bạn, họ đã được bàn giao về nước đoàn tụ với gia đình… (Lê Khoa - Trần Thanh Phong - Đình Phú) |
“Án tử hình” lơ lửng Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Hội Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM) Ngày 30.9.2009, Hạ viện Indonesia đã sửa đổi Luật Thủy sản năm 2004, trong đó cho phép tàu tuần tra được bắn và đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển Indonesia. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại về thông tin này. Việc cho phép “tàu tuần tra được bắn và đánh chìm những tàu đánh cá nước ngoài vi phạm luật của nước mình” chẳng khác nào đưa ra điều khoản kết án tử hình những ngư dân do cố ý hay vô tình vi phạm. Như thế, nhiều sinh mạng có thể bị kết liễu vì một tội thật sự không đáng, hay phạm tội chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình. Thời đại văn minh hiện nay khác thời Trung cổ, loài người đã có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 82) rất tiến bộ. Công ước này là công cụ bảo vệ chủ quyền biển, quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên sinh vật hay không sinh vật như điều 25, 27, 61, 62. Cũng cho phép quyền tài phán hình sự ở trên tàu nước ngoài song cũng rất hạn chế, có điều kiện, chứ không phải muốn xử sao thì xử như kết án tử hình ngư dân đánh bắt trái phép! UNCLOS 82 còn quan tâm đến quyền lợi của các quốc gia không có biển và sự hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học về bảo tồn, chống ô nhiễm biển... Hiện nay, những vấn nạn như hiệu ứng nhà kính, khí hậu biến đổi khôn lường, môi trường ô nhiễm kinh khủng là nguy cơ chung cho cả nhân loại, cho cả trái đất. Vì vậy mọi hành động từ bá quyền đến cục bộ có thể ảnh hưởng chung đến cả nhân loại, cho thế giới. Các nước trên thế giới - nhất là các nước trong khu vực - cần hợp tác với nhau để chống những nguy cơ chung đó. Thử hỏi, cứ hơi một tí đụng chạm đến quyền lợi của nhau là “bắn với giết” thì thế giới này sẽ đi về đâu? Hợp tác khu vực và thế giới sẽ ra sao? Trình độ dân trí của các ngư dân ở Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam - còn rất thấp, chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm đánh cá trái phép tại hải phận không phải của nước mình. Đó là chưa kể những vùng biển có thể chồng lấn và chủ quyền còn đang tranh chấp! Thời đại văn minh không thể chấp nhận luật rừng, hay quá hà khắc của thời Trung cổ. Thế nên nhân dân các nước - nhất là các nước trong khu vực - phải đấu tranh để không xảy ra những sai lầm của các nhà làm luật, của các nhà cầm quyền. ASEAN trong tương lai sẽ thành khối hợp tác toàn diện, biên giới không còn là rào cản cho mọi sự hợp tác vì sự thịnh vượng chung của cộng đồng Đông Nam Á. Vì thế, việc đấu tranh nhằm gỡ bỏ những rào cản, tiến tới hợp tác tốt đẹp của ASEAN sẽ là trách nhiệm chung của chúng ta. |
Indonesia đốt tàu ngư dân Việt Nam Ngày 23.10, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cho biết: tàu cá BĐ - 95369TS của anh Võ Hồng Thạch ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn vừa bị phía Indonesia bắt và đốt cháy vào ngày 20.10; 11 lao động trên tàu này được tàu cá của ông Nguyễn Văn Sen chở về. Từ tháng 8.2009 đến nay, Bình Định có hàng chục tàu cá bị bắt, trong đó có 3 tàu bị Indonesia đốt ngay trên biển, gồm: BĐ - 1600TS với 7 lao động do ông Phạm Văn Xin làm thuyền trưởng; BĐ - 95108 TS với 10 lao động do ông Nguyễn Văn Tây làm thuyền trưởng; BĐ - 30266TS với 6 lao động do ông Đoàn Văn Hùng làm thuyền trưởng. Những ngư dân bị đốt cháy phương tiện trở về quê nhà trong cảnh trắng tay, có người bỏ hẳn nghề biển vì không có điều kiện mua sắm phương tiện mới, một số chuyển sang tàu khác làm thuê để mưu sinh. Đại tá Trương Minh Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, cho biết: “Với ngư dân nước ta, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo cách hành xử trên biển luôn tuân thủ thông lệ quốc tế, đặc biệt là đề cao tính nhân đạo trước những tai nạn mà ngư dân nước bạn gặp phải. Những lúc ấy, cả ngư dân và bộ đội biên phòng VN đều đã bất chấp hiểm nguy ứng cứu một cách nhiệt thành, không đòi hỏi và đưa ra điều kiện gì; trong khi đó, cách hành xử của nước bạn khiến cho nhiều ngư dân VN gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm”. Đình Phú |
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)