Cứu tinh trong bão dữ

02/08/2010 09:55 GMT+7

Sáng 1-8, thêm 23 ngư dân bị nạn trong cơn bão số 1 đã về đến Việt Nam. Trước đó, 10 ngư dân dính bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng may mắn thoát chết nhờ những người bạn đi biển mà họ chưa từng gặp.

Sáng 30-7, chiếc tàu Jade Trader cập cảng Cát Lái, TP.HCM. Những container hàng vội vã được xếp dỡ trong nhịp độ làm việc tất bật giữa nắng Sài Gòn gay gắt. Ký ức về một ngày bão dữ giữa tháng 7 tưởng không còn dấu vết nào trên gương mặt các thủy thủ và thuyền trưởng Oleksii Dikarenko.

Nhưng chính trong cơn bão số 1, chiếc tàu hàng này đã trở thành người hùng, cứu sống những ngư dân mắc nạn trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu Jade Trader ra khơi ngày 18-7, một ngày rưỡi sau khi cơn bão số 1 đi qua hành trình của con tàu. Thuyền trưởng Oleksii Dikarenko tính toán rất kỹ khi quan sát bản tin thời tiết và những tin tức truyền về. Ông nhớ lại: “Chúng tôi thấy cơn bão đã đi qua một ngày rưỡi và biết rõ vị trí của nó nên cảm thấy rất thoải mái ra khơi. Chúng tôi sẽ không gặp gì nguy hiểm”.

Tàu hàng Jade Trader vận tải hàng hóa trên biển cho Hãng vận chuyển ZIM. Con tàu thường đi lại các tuyến Thái Lan, Singapore, VN, Hong Kong. Mỗi tháng con tàu ghé cảng Cát Lái một hoặc hai lần tùy chuyến hàng.

Đưa ngư dân khỏi luồng bão dữ

Tiếng của thuyền phó Mario Fernandez vang lên trong bộ đàm đánh bật cả thủy thủ đoàn khỏi giờ nghỉ trưa tĩnh lặng. Có một vật gì đó cách con tàu khoảng 4 hải lý. Mario kể lại: “Rất hiếm khi chúng tôi gặp vật gì đó lạ trên biển. Tôi thật sự không thể thấy rõ đó là thứ gì vì còn cách khá xa”. Khi con tàu cưỡi sóng thật nhanh đến gần, Mario, Dikarenko và những thành viên khác trên tàu mới thật sự sửng sốt: “vật lạ” chính là những người đàn ông tuyệt vọng đang bám trên một mảnh xác thuyền dập dềnh lên xuống cùng những đợt sóng biển.


Những ngư dân bị nạn được tàu Jade Trader cứu nạn - Ảnh do tàu Jade Trader cung cấp

“Chúng tôi thấy một mảnh thuyền nhỏ bị lật úp. Trên đó năm hay sáu người đàn ông đang bấu vào và cố ngoi lên vẫy tay. Người đi biển thấy những chiếc áo phao màu cam họ mặc sẽ hiểu đấy là vụ việc rất khẩn cấp” - thuyền trưởng Oleksii Dikarenko nói. Ngay lập tức một cuộc thảo luận ngắn về phương pháp cứu hộ được đặt lên bàn thuyền trưởng.

Dikarenko không dám cho tàu dừng lại. Ông giải thích: “Chân vịt và máy quay rất mạnh. Nếu tôi bảo cho tàu dừng máy, nó cũng giống như bạn đang lái xe và đạp thắng gấp vậy. Điều đó sẽ cực kỳ nguy hiểm với những người đang ở dưới kia và cả những thủy thủ đứng trên boong tàu phía trên”. Tàu Jade Trader được lệnh giảm tốc độ thật chậm. Những người đàn ông bám trên mũi nhọn của mảnh tàu chìm bắt đầu vẫy tay và cật lực gọi.


Ông Oleksii Dikarenko (trái), thuyền trưởng tàu Jade Trader và thuyền phó Mario Fernandez Marcialito trao đổi về địa điểm trên bản đồ nơi tàu đã cứu những ngư dân VN - Ảnh: M.Đức

Con tàu vượt qua nhóm người chầm chậm dần. Gió thổi khá mạnh. Dikarenko nhìn hướng gió và chỉnh lái con tàu quay vòng lại, đánh thành một vòng cua khéo léo chặn luồng gió thổi tới nhóm ngư dân đang vật lộn với một sự bấu víu mong manh. Thuyền trưởng Dikarenko giải thích: “Tôi biết hướng gió thổi tới. Nếu không cho tàu chặn hướng gió đó thì nhóm người sẽ tiếp tục bị trôi và rất khó giải cứu. Vì thế phải cho Jade Trader dừng chắn ngay đầu gió. Chúng tôi mất gần 20 phút để tàu đến gần những ngư dân mắc nạn”.

Tàu ngừng máy. Mười người đàn ông bắt đầu bơi hối hả về phía mạn tàu. Thuyền trưởng sợ hãi. Ông nói: “Máy tàu rất mạnh. Nếu họ bơi đến quá gần mạn sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế tôi yêu cầu các thủy thủ phải kéo họ lên ngay khi tóm được thân thể họ”. Mười lăm người trong thủy thủ đoàn cật lực kéo và vớt mười ngư dân lên tàu. Đó là khoảng 3 giờ 45 chiều. Bầu trời nắng hanh hao và tĩnh lặng đến mức không ai ngờ đã có một cơn bão hung dữ quét qua nhiều giờ trước đó.


Quá trình tiếp cận và đưa mười ngư dân bị nạn lên tàu Jade Trader. Con tàu phải mất gần 20 phút để giảm vận tốc và đến gần khu vực mảnh ván thuyền có ngư dân bám vào - Ảnh do tàu Jade Trader cung cấp

Mối ân tình với ngư dân

Ông Dikarenko nhớ lại: “Người họ khô ráp, đen sạm. Họ rất yếu ớt và thiếu nước nghiêm trọng”. Những chai nước ngọt được trút vào thân thể những ngư dân như một sự hồi sinh. Thuyền trưởng nhanh chóng hỏi nhóm của họ có bao nhiêu người. Không ai biết tiếng của nhau để có thể trao đổi cặn kẽ. Những gì họ có thể cố làm được là sử dụng ngôn ngữ tay và cơ thể. “Một người nữa còn mất tích. Đó là những gì tôi có thể hiểu” - ông Dikarenko cho biết.

23 ngư dân gặp nạn về tới Việt Nam

Đại tá Nguyễn Quang Đạm, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, cho biết 8g sáng 1-8, tại cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh), các cơ quan chức năng của VN và Trung Quốc đã tiến hành các thủ tục bàn giao, tiếp nhận 23 ngư dân VN bị nạn trong cơn bão số 1 được phía Trung Quốc cứu vớt từ hôm 18 và 19-7.

23 ngư dân gặp nạn khi đang đánh cá trên các tàu QNg 55431, QNg 55904, QNg 95707, QNg 95904 và QNg 99028. Trước khi các ngư dân trở về nước, đại diện Tổng lãnh sự quán VN tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã tới thăm hỏi, đồng thời tiến hành các thủ tục với phía Trung Quốc để bàn giao cho VN.

K.H

Ngay sau đó, Dikarenko ra lệnh cho tàu lùng sục khắp khu vực xung quanh từ 4 giờ chiều đến hơn 8 giờ tối để tìm người mất tích mà nhóm ngư dân báo lại. Sau cơn bão, cả vùng biển như bị xới tung lên. Chiếc tàu hàng nặng nề di chuyển sục sạo tới lui khắp nơi quanh đó. Dikarenko lắc đầu: “Sau cơn bão, biển cả là một mớ hỗn loạn. Chúng tôi đã cố hết sức tìm kiếm người mất tích nhưng có lẽ số mệnh của anh ta không dành cho chúng tôi”. Chiếc tàu hàng chỉ cứu được mười ngư dân và nhận lệnh tiếp tục hành trình về Hong Kong theo đúng lộ trình hàng hóa đã quy định của mình.

Ngư dân đói và khát. Họ đã ở trên biển hai ngày hoặc hơn thế. Khi cơn bão tràn tới, chiếc thuyền đánh cá nhỏ của họ đã không chống được luồng gió dữ. Sự may mắn còn lại là mảnh thuyền lật úp còn nổi bồng bềnh trên biển cho thủy thủ đoàn bám được và chờ đợi cuộc giải cứu nào đó - rất vô định - đến từ đường chân trời xa thẳm. Dikarenko bảo ông thấy sự sợ hãi trong đôi mắt họ: “Họ đã ở trọn vẹn trong cơn bão và đã mất cả định vị ngày đêm. Điều đó thật khủng khiếp”.

Ngay khi tàu cập bến ở Hong Kong, tổng lãnh sự quán VN ở Hong Kong và Macau đã đến thăm hỏi, xác minh nhân thân, khám sức khỏe và cấp hộ chiếu lập tức cho mười ngư dân để họ có thể trở về gia đình ngay trong ngày 20-7.

Tàu hàng Jade Trader đã đi trên hành trình TP.HCM - Hong Kong vài năm. Họ quen với tuyến đường và những cơn bão biển bất thần xuất hiện ở khu vực này. Thuyền phó Mario Fernandez nói: “Ở Philippines cũng có bão, rất thường xuyên. Những người đi biển Philippines chúng tôi quen và hiểu sự khắc nghiệt của những cơn bão”. Nỗi sợ cướp biển, người vượt biên bất hợp pháp... thỉnh thoảng là những trở ngại khiến những tàu hàng đường xa không dám cho người lạ lên tàu. Nhưng lúc đó, sự tuyệt vọng của “màu cam” và những cánh tay vẫy tới tấp đã làm thuyền trưởng không có sự lựa chọn nào khác.

Trước đây thuyền trưởng Dikarenko cùng thủy thủ đoàn của ông không có nhiều ký ức về VN cho đến mãi cuộc giải cứu gần đây. Họ đến và đi vội vàng trong vài giờ. Cảng Cát Lái là một nơi hiếm hoi sát bờ nơi Dikarenko có thể ngồi ăn trưa thư giãn và nhìn qua cửa sổ tàu để thấy Sài Gòn. Ông bảo: “À, đấy là Sài Gòn. Đấy là tất cả những gì tôi thấy trước khi tiếp tục ra khơi”. Những ngư dân gặp nạn trong một ngày giữa tháng 7 để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong ông về nghề và biển, về đất nước VN. Ông kể: “Họ hay ngại ngùng, thích cười và... tất nhiên là không thể nói chuyện với chúng tôi, chỉ dùng ngôn ngữ tay chân, cơ thể. Khi chia tay nhau ở Hong Kong, những thủy thủ và ngư dân đã ôm nhau, họ chỉ nói được những lời cảm ơn bằng tiếng Anh bập bõm”.

Dikarenko nheo mắt nhìn nắng trưa và thắc mắc: “Dự báo thời tiết có bão đã có 1-2 ngày trước đó sao họ không tuân theo chỉ dẫn mà trở về nơi tránh bão?”. Ông không biết rằng trong cuộc mưu sinh khó nhọc và đầy trăn trở, ngư dân “lỡ” ra biển ít khi dám trở về khi thuyền chưa nặng khoang cá. Bao nhiêu loại tiền dầu nhớt, chi phí hắt lên trong ánh mắt xa xăm của họ suốt cả cuộc đời. Những ánh mắt đó vào một ngày sau bão đã nhìn ông và những đồng nghiệp xa lạ trên biển đầy hàm ơn vì được cứu sống.

Trên hành trình xuyên qua những giới hạn của đại dương, một nghĩa cử đùm bọc và cởi mở của những thủy thủ xa lạ đã cứu sống những ngư dân Lý Sơn cả đời lam lũ trên biển trong ngày bão dữ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.