Sau nhiều tháng trì hoãn, Lầu Năm Góc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hồi tuần rồi có cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Đó là cuộc họp trực tuyến, tập trung vào việc duy trì các kênh liên lạc mở giữa quân đội hai nước, theo tạp chí Politico ngày 1.9.
Cuộc họp trên được xem là một bước tiến, nhưng nhiều cựu sĩ quan quân đội Mỹ cho rằng cần có thêm nhiều cách thức liên lạc tốt hơn và thường xuyên hơn để ngăn chặn một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa các lực lượng quân sự của hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Nên có cảm giác khẩn cấp về vấn đề này”, cựu Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott Swift nhận định. Ông cảnh báo những sự kiện không thể tiên liệu có thể châm ngòi một cuộc đụng độ quân sự Mỹ-Trung, và những hệ thống liên lạc khủng hoảng song phương hiện nay có thể bị mất tác dụng.
Một số vụ việc trong quá khứ đã cho thấy tình trạng mong manh của những đường dây liên lạc Mỹ-Trung. Theo Politico, khi xảy ra vụ va chạm giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam vào tháng 4.2001, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh khi đó Joseph W. Prueher đã cố liên lạc khẩn cấp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc, nhưng không nhận được phản hồi ngay. “Họ không muốn trả lời cuộc gọi của tôi. Họ chưa muốn nói chuyện với tôi”, ông Prueher cho hay. Khi đó, ông Prueher phải chờ đến 12 giờ đồng hồ thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới mở cuộc thảo luận liên quan cuộc khủng hoảng trên.
Đến 20 năm sau, ông Prueher vẫn còn quan ngại rằng một vụ tương tự trong tương lai liên quan giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể vượt tầm kiểm soát vì ông cho rằng các kênh liên lạc quân sự song phương “không tồn tại”.
|
Nhiều cựu sĩ quan quân đội Mỹ khác cũng cảnh báo những hệ thống liên lạc khủng hoảng quân sự Mỹ-Trung hiện nay là chưa đáng tin cậy. Tình trạng này có thể gây ra mối nguy hiểm rõ ràng do nguy cơ không thể liên lạc với nhau được, mà hậu quả có thể xảy ra là một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung nghiêm trọng, trong bối cảnh căng thẳng song phương đang leo thang ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo Politico. “Tôi rất quan ngại về việc làm sao có thể ngăn chặn sự leo thang từ một hoặc hai phía”, trung tướng Mỹ về hưu Karl Eikenberry cho hay.
Các căng thẳng gia tăng đã gây ra quan ngại trong giới sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ và những quan chức Lầu Năm Góc xác nhận thiếu các công cụ ngoại giao để hạ nhiệt một cuộc xung đột, theo chuyên gia Orville Schell tại Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung ở thành phố New York. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nêu bật mối quan ngại này hồi tháng trước, khi ông cam kết tăng cường những cơ chế liên lạc với PLA. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple cho rằng những cơ chế đó cần thiết để ngăn chặn tình hình xấu biến thành cuộc khủng hoảng. Ông cho biết thêm thỏa thuận năm 2018 giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc lập kết nối điện thoại quốc phòng song phương có cả những hướng dẫn cho tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, hai ông Swift và Eikenberry cho rằng những đường dây nóng ít khi được sử dụng là chưa đủ, trong bối những sự cố khó đoán trước ở Thái Bình Dương có nguy cơ gia tăng. Hai ông cũng cảnh báo rằng những thỏa thuận quân sự Mỹ-Trung hiện hữu nhằm giảm nguy cơ đụng độ quân sự song phương tuy có giá trị nhưng cũng chưa đủ.
Trước tình trạng này, ông Swift cho rằng cần phải suy tính lại về những cơ chế liên lạc khủng hoảng song phương để tránh những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng từ một sự cố giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Ông đang hợp tác với các cựu quan chức cấp cao của hai bên để phát triển một mô hình hiệu quả hơn cho những cơ chế liên lạc khủng hoảng giữa quân đội hai nước.
Bình luận (0)