Nặng gánh mưu sinh
Đến núi Cấm mùa này dễ bắt gặp đoàn quân nữ cửu vạn đang gánh trái cây, măng rừng cho chủ vườn xuống núi. Mặc cho trời đang mưa rả rích, các chị vẫn bước đi thoăn thoắt. Tuột dốc cả một đoạn đường dài, vậy mà hiếm khi thấy các chị buông gánh nghỉ xả hơi. Đội cửu vạn này đều là các chị người dân tộc Khmer, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, do không nghề nghiệp ổn định nên phải làm nghề gánh thuê để mưu sinh.
|
Quệt mồ hôi ngang tráng, chị Neang Tuol (35 tuổi) cho biết: “Tui gánh thuê ở đây được khoảng chục năm. Hồi ấy, chưa làm con đường lên núi, đường sá chỉ là lối mòn, đất đá lô nhô. Vô vụ thu hoạch su su, mỗi nhà vườn trồng từ 5-10 công mà mỗi công đạt từ 2-3 tấn. Chủ vườn làm sao vận chuyển cho kịp nên thuê chị em tụi tui gánh hàng xuống núi”.
“Đội quân” nữ cửu vạn núi Cấm có cả trăm người. Khi con đường lên núi được đưa vào sử dụng, nhiều chị đã phải “treo gánh” chuyển sang nghề khác mưu sinh. Giờ đây, chỉ còn lại hơn 30 người chuyên vận chuyển đồ, hàng rẫy cho nhà vườn lên xuống núi. Hôm gặp chị Neang Sa Vi, với thân hình nhỏ thó mà chị gánh đến 50 kg măng tre mạnh tông, đi lẩn trong những quang gánh của cánh “mày râu”. Gánh suốt một giờ đồng hồ đến tận chân núi, chị mới ngồi nghỉ lấy sức để đi tiếp. Chị cho biết mỗi ngày chị gánh 1 chuyến, còn ngày nào cao điểm gánh đến 2-3 chuyến. Mỗi chuyến các chị nhận tiền công từ 500-1.000 đồng/kg, tùy xa hoặc gần. “Mặc dù cực khổ nhưng bù lại có công việc làm quanh năm, kiếm tiền đong gạo hằng ngày. Ở quê, không có nghề ngỗng gì làm, chỉ trông chờ mấy công ruộng thì lấy gì mà sống”, chị Neang Sa Vi vừa đi vừa trần tình.
|
Không thua kém đấng “mày râu”
Ông Trần Văn Tùng, một nhà vườn chuyên canh cây quýt tiều trên núi Cấm kể về các chị em cửu vạn: “Tôi trồng khoảng 3 ha quýt hồng xen canh nhiều loại cây ăn trái khác. Hồi đó, mỗi lần thu hoạch quýt bán tết, tôi phải nhờ hàng chục phụ nữ mới gánh hết xuống núi để cân cho tiểu thương. Sức khoẻ các chị dẻo dai không thua đấng mày râu. Nếu đàn ông gánh 60 kg mỗi gánh thì các chị gánh cũng xấp xỉ chứ chẳng chịu ít hơn đâu. Có lần chúng tôi đánh đố các chị gánh 50 kg quýt một lần xuống đến tận dốc mà không ngừng nghỉ. Những tưởng họ không kham nổi, nào ngờ chị nào chị nấy cất gánh lên đi khoẻ re. Lần đó, cánh đàn ông đều tâm phục khẩu phục”.
Dân núi Cấm đều biết tiếng “đội quân” nữ cửu vạn của ông Chau Khol. Hễ mỗi lần nhà vườn thu hoạch măng hay trái cây thì chỉ cần điện thoại đến cho ông. Thế là chỉ trong phút chốc, ông tập hợp được hơn 30 nữ cửu vạn đến tận nơi. Ông Dương Văn Hoành, chủ vựa trái cây dưới chân núi Cấm, nói: “Hiện nay, con đường lên núi tạm thời ngưng lưu thông để khắc phục hậu quả đá lăn; trong khi dâu, măng người dân trồng đã vào mùa thu hoạch, mỗi ngày phải vận chuyển xuống núi từ 5-10 tấn. Nếu không có các nữ cửu vạn thì chúng tôi chịu bó tay chứ không phải chuyện chơi”.
Một ngày cuối tuần, tôi men theo đường suối Thanh Long lên chùa Phật Lớn. Nhiều sơn dân ở đây đang tổ chức cúng vườn rôm rả do năm nay trúng mùa dâu. Nhà cửa của bà con được xây dựng và sửa chữa lại rất tươm tất. Họ nói, để có được những ngôi nhà này, các nữ cửu vạn đã mang từng cục gạch, bao xi măng lên đây. Nếu không có họ, bà con không biết đến chừng nào mới có nhà ở khang trang.
Chiều buông. Mặt trời khuất sau dãy núi Cấm, bà Neang Chuônl, Neang Cơ, Neang Mum… “đạp mây” gánh măng tuột dốc. “Mùa này gánh dâu, mít, xoài, măng. Hết mùa thì đi phát cỏ, lặt lá cho nhà vườn. Có việc làm quanh năm. Nhờ vậy mà nuôi sắp nhỏ ăn học đàng hoàng”, một nữ cửu vạn nói.
Trường An
Bình luận (0)