Đó là một trong số ít những dịch vụ mới ăn nên làm ra trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nhờ nó mang tính tiện ích cao, đặc biệt là với phụ nữ.
“Cách đây một tuần, khi tôi đang đi công việc về thì xe bị tắt máy giữa đường, lúc đó đã gần 9 giờ tối, rất khó tìm ra tiệm sửa xe còn mở cửa nên khiến tôi lo lắng vô cùng. Tôi gọi điện thoại cầu cứu một người bạn thì được giới thiệu gọi đến đơn vị thực hiện dịch vụ sửa xe giữa đường. Thế là 15 phút sau khi tôi gọi điện thoại, hai nhân viên công ty đã đến sửa và giúp tôi về nhà sớm hơn” - Chị Minh Nhất, ngụ ở Q.5, TP.HCM, chia sẻ về tính tiện ích của dịch vụ cứu xe gắn máy giữa đường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ này xuất hiện cách đây một năm nay nhưng chỉ phát triển mạnh khoảng vài tháng trở lại đây. “Ban đầu, đa phần những đơn vị thực hiện dịch vụ này đều nhằm mục đích để giữ khách hàng trong thời buổi kinh tế khó khăn, môi trường cạnh tranh gay gắt. Nhưng không ngờ từ lúc ra đời đến nay, dịch vụ không những giúp chúng tôi giữ được khách hàng cũ đã từng đến sửa xe tại tiệm mà còn có thêm những khách mới” - Anh Lâm, chủ tiệm sửa xe Lâm, Q.3 TP.HCM, cho hay.
|
Hiện dịch vụ này phục vụ chủ yếu những xe bị hỏng trong khu vực nội thành TP.HCM từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ. Mức phí được tính từ khoảng 30.000-100.000 đồng/lần sửa (bao gồm tiền xăng, tiền công và tùy vào địa điểm xa, gần). Để được phục vụ, thời gian trung bình khách phải chờ là 15 - 30 phút.
Được biết, khi nhận cuộc gọi từ khách, các thợ sửa xe sẽ hỏi sơ qua “triệu chứng bệnh” để “đoán bệnh” mà chuẩn bị đồ nghề thích hợp mang theo. Khi đến nơi, các xe gặp “bệnh” nhẹ như ngộp xăng do để ngoài trời mưa, bình xăng con dơ do dùng xe lâu ngày, bugi hỏng… thì sẽ được sửa ngay lập tức. Nhưng nếu xe mắc “bệnh nặng” thì buộc lòng các thợ phải “hộ tống” về tiệm sửa. Trong trường hợp xe đã được mang về tiệm thì khách hàng không phải trả tiền công dịch vụ sửa giữa đường nữa mà tính tiền công như một khách đến tiệm sửa. Riêng với trường hợp xe bị bể bánh thì hầu như không một đơn vị nào nhận vá tại chỗ dù là không phải “bệnh nặng”. Nguyên nhân là vì… thợ khó mang theo máy bơm.
Tuy nhiên, “để tránh trường hợp bị “chặt đẹp” do gặp phải những đơn vị thực hiện dịch vụ không đàng hoàng, người dùng dịch vụ nên hỏi rõ bệnh của xe, tiền công cũng như phí sửa trước khi sửa” - Anh Nguyễn Vũ Tùng Sơn, Giám đốc Công ty Trường Tín (TP.HCM), lưu ý.
Ngoài ra, đa phần các đơn vị thực hiện dịch vụ cứu xe giữa đường thường đảm luôn dịch vụ phục vụ, bảo dưỡng xe tận nhà với mức tiền công cao hơn, trung bình khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lần (tùy loại xe và mức độ gần xa).
Cẩm Nhi
Bình luận (0)