Đồng hồ điểm 0 giờ cũng là lúc nhiều bạn trẻ hăng hái ra sân lăn
cùng trái bóng. Họ là những người có công việc đặc thù phải làm đến nửa
đêm như: quản lý, phục vụ nhà hàng, quán karaoke...
Kịch tính những pha bóng đêm - Ảnh: Nữ Vương |
Trong lúc thành phố đã chìm vào giấc ngủ thì các sân bóng nhân tạo như: Chảo Lửa, Thăng Long ở Q.Tân Bình (TP.HCM) vẫn đông vui như ban ngày, đèn điện sáng rực, người ra vào tấp nập...
Ngày đi làm, tối đá banh
Chúng tôi có mặt tại sân Thăng Long khi trận đấu bắt đầu lúc 22 giờ 30. “Bên này, chuyền đi”, “đúng rồi”, “dzô, dzôôô...” những tiếng hò reo vọng theo từng đường bóng, xuyên thủng màn đêm.
Ở hai hàng ghế đã có một đội quân hùng hậu chờ tiếp sân. Ngồi chờ đến giờ vào trận, anh Nguyễn Hữu Hậu (ngụ Q.10, TP.HCM) cho hay: “Đặt sân đá bóng đêm nhiều khi còn khó hơn ban ngày. Dạo này nhu cầu đá bóng đêm nhiều lắm. Mà hôm nay lại là ngày cao điểm nữa”. Theo anh Hậu, ngày cao điểm sẽ rơi vào thứ hai và thứ sáu. Lúc này, 11 sân bóng ở đây đều kín mít.
Đúng 0 giờ, đội bóng của anh Hậu vào sân. Ở các sân bên cạnh, các đội vẫn hăng hái đá và hai bên hàng ghế luôn có đội ngồi chờ để tiếp sân. Theo nhiều bạn trẻ đang có mặt ở đây, thực ra cũng chẳng ai muốn đá bóng đêm nhưng vì công việc mưu sinh nên buộc lòng phải đá vào giờ này.
Đa phần lực lượng “cầu thủ nửa đêm” là sinh viên. Ban ngày đi học, chiều tối đi làm thêm tại các nhà hàng, quán cà phê... đến nửa đêm mới có dịp xách giày ra sân. Đây chính là lực lượng làm nên phong trào “những trận đấu lúc 0 giờ”.
Cao Văn Tài, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, làm thêm ở một quán ăn trên đường Cách Mạng Tháng Tám, từ 3 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Tài tâm sự: “Ai cũng bảo làm cả ngày mệt muốn xỉu rồi thì về nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng vì mê đá bóng quá, tuần nào không đá được 4 - 5 trận là thấy thiếu thiếu. Nên hầu như tối nào mình cũng đá, chỉ trừ những đêm quán đông khách phải về muộn quá thì thôi”.
Chúng tôi hỏi: “Thế sáng mai sao thức dậy nổi để đi học?”, Tài trả lời dứt khoát: “Không đá mới không dậy nổi đó. Làm việc cả ngày mệt mỏi, áp lực, chỉ có đá bóng mới xõa hết để lấy lại tinh thần ngày mai chiến tiếp”.
Rồi những cầu thủ đã có gia đình như anh Hải (ở Q.Tân Phú), ngày nào công việc quản lý nhà hàng của anh cũng bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng đến tận khuya. Tối nay chúng tôi thấy có vợ và cả đứa con gái 7 tuổi của anh đi theo cổ vũ. Trận đá bóng của anh Hải kết thúc lúc 0 giờ 45, lúc này đứa con gái 7 tuổi của anh hai mắt vẫn tròn xoe nhìn về phía sân bóng. “Chắc có lẽ đi theo bố quen rồi?”, chúng tôi thắc mắc. “Vì con bé không chịu ngủ khi không có bố nên mới đành để con bé đi theo. Trong tuần tôi đâu có dám đá, chỉ tranh thủ mấy ngày cuối tuần thôi. Để sáng mai bé còn ngủ được chứ những ngày bé đi học thì có mê đá mấy cũng phải ráng chịu”, anh Hải bộc bạch.
Hay trường hợp của Huỳnh Nhật Long (ngụ Q.8, TP.HCM) mà chúng tôi gặp ở sân Cao Lỗ (Q.8). Hôm đó Long có trận bóng giao hữu với nhà hàng Hoa Túc (Q.1, TP.HCM). Long là chủ một tiệm đồ điện tử, công việc không phải làm đêm nhưng Long thường đá bóng lúc đêm khuya. “Bạn bè mình toàn làm nhà hàng, quán nhậu nên phải đợi tụi nó tan ca thì mới đá được. Có nhiều đêm đá đến 2 - 3 giờ sáng mới về”, Long nói.
Không chỉ là đam mê
Có nhiều đội đá đêm vì không đặt được sân đá vào giờ sớm hơn nên đành phải thuê sân từ lúc 0 giờ trở đi.
Ngồi xem trận đấu của Tài, lúc này đã 2 giờ sáng nhưng dường như không hề có sự uể oải, các pha bóng vẫn hết sức quyết liệt. Và có lẽ giờ này mới là “giờ vàng” của những quả bóng lăn đi với tốc độ chóng mặt.
Hôm chúng tôi đến, đội của Tài đá giao hữu với những anh chàng nhà hàng Ngọc Sương (Q.Tân Bình). Những chàng trai của nhà hàng Ngọc Sương tỏ ra điêu luyện và chơi rất kỹ thuật. Từng đường chuyền đến những pha cướp bóng đều rất tinh xảo và có tính toán kỹ lưỡng. Với đội quân cổ vũ hùng hậu lên đến 20 thành viên, họ hoàn toàn áp đảo tinh thần đối phương.
Ngồi trên sân cỏ thở dốc, mồ hôi còn nhễ nhại, anh Trần Văn Tý - đội của Tài - nói: “Bụng phệ nên chạy chút xíu là hết sức. Nhưng chạy như thế này mới mong giảm bớt cái bụng này, nhìn nặng nề quá”, đang nói chưa dứt lời thì anh Tý gào lên khi đồng đội áp sát khung thành sân bạn: “Đúng rồi, sút đi. Vào... Hay quá chú út ơi!”, rồi anh chép miệng lia lịa: “Hay quá, cú sút quá đỉnh luôn”.
Tỷ số lúc này đã là 5-2 nghiêng về đội của Tài. Không khí mỗi lúc một nóng lên theo từng pha bóng.
Bình luận (0)