Da chống đạn

23/08/2011 17:34 GMT+7

Các chuyên gia Mỹ đã chế tạo thành công một loại da có khả năng chống đạn, mở ra cơ hội mới cho những dự án về gân và dây chằng nhân tạo.

Nhà nghiên cứu Randy Lewis và đồng sự ở bang Utah (Mỹ) gần đây đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn sau khi tìm ra cách sản xuất sợi tơ lụa từ sữa dê và tằm được chèn thêm gien nhện vào quá trình hình thành. Tơ nhện là một trong những cấu trúc bền bỉ nhất thế giới, chắc chắn gấp 5 lần thép.

Theo AP, với sự trợ giúp từ Lewis, nghệ sĩ người Hà Lan Jalila Essaidi đã dệt nên một mạng lưới từ tế bào da người và sợi tơ có khả năng chặn được đạn bắn ở tốc độ đã được triệt tiêu bớt. Nói một cách đơn giản, họ tạo được da chống đạn.

Ban đầu, dự án trên chỉ nhằm phục vụ cho việc tạo nên tác phẩm nghệ thuật sinh học. Tuy nhiên, khi hình ảnh quay chậm từ camera tốc độ cao cho thấy viên đạn 22 ly bị da nhân tạo chặn đứng, Essaidi và Lewis nhận ra rằng công trình của họ không thể dừng lại ở đó. Chuyên gia Hà Lan quyết định theo đuổi dự án chế tạo da chống đạn, còn đồng sự người Mỹ của cô vui mừng khi phát hiện rằng mục tiêu cuối cùng mà mình đang tìm kiếm lâu nay có khả năng trở thành hiện thực.

 
Da nhân tạo chặn được đạn - Ảnh: Jalila Essaidi

Ông Lewis lý luận rằng nếu không có da nhân tạo chống đạn thì con người vẫn có thể nhờ cậy các loại áo giáp đặc biệt trên thị trường hiện nay, trong khi lĩnh vực phát triển gân và dây chằng nhân tạo vẫn bị bỏ trống. Đó là chưa kể khả năng nuôi tế bào và sử dụng vật liệu này để thay thế phần lớn da người trong những vụ bỏng nặng.

Theo Lewis, công trình nghiên cứu của ông có thể tạo ra vật liệu có sức bền và độ co giãn không thua gì da thật, cho phép các bác sĩ giải phẫu kéo giãn và bao phủ trên một diện tích rộng mà không sợ bị rách. Phát minh này ăn đứt những công trình hiện nay nhằm nuôi cấy da nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Chuyên gia Mỹ hy vọng sẽ thực hiện thí nghiệm trên động vật trong vòng 2 năm nữa, và cho biết tơ nhện được chứng minh có khả năng tương thích rất cao với cơ thể người, loại trừ khả năng bị đào thải như trong trường hợp da ghép. Và mục tiêu kế tiếp sẽ là chế tạo gân và dây chằng bằng tơ làm từ sữa dê và con tằm đã được ghép gien nhện. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.