Đã có 10 vết nứt trên đập thủy điện Sơn La

20/02/2009 00:30 GMT+7

Hôm qua 19.2, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), chủ đầu tư dự án thủy điện Sơn La, đã hoàn tất bản báo cáo về xử lý các vết nứt tại đập bê tông đầm lăn, công trình thủy điện Sơn La gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng.

Theo báo cáo này, tổng cộng đã có 10 vết nứt xảy ra tại 4 khối đổ là C2, L1.1, C3 và C5. Vết nứt đầu tiên phát hiện tại khối C2, ngày 11.8.2008. Vết nứt cách bề mặt thượng lưu 50m, bề rộng khoảng 0,5 mm, hướng song song với tim đập dài 30,5m. Vết nứt dài nhất phát hiện tại khối L1.1 ngày 18.11.2008. Trên bề mặt khối L1.1 cao trình 136,2m phát hiện 2 vết nứt theo hướng song song với tim đập. Vết thứ nhất cách mép đập thượng lưu khoảng 50m (ở vị trí gần trung tâm khối L1) kéo dài 94,5m. Vết thứ hai cách vết thứ nhất khoảng 18m về phía hạ lưu, kéo dài 97,3m. Bề rộng cả hai vết nứt lớn nhất khoảng 0,5 mm.

Vết nứt ngắn nhất là khoảng 8m, độ sâu các vết nứt trung bình khoảng 4-6,5m. Vết nứt phát hiện gần đây nhất là vào ngày 17.12.2008, tại khối C5 (cao trình 146,7m), dài 30,6m rộng khoảng 0,5 mm.

Theo báo cáo của EVN, quan sát các nõn khoan (mẫu bê tông hình trụ lấy lên từ thân đập - PV) hầu hết đều đặc, ít lỗ rỗng.

Về biện pháp xử lý: Đơn vị thi công đã đặt các khe thoát nước (với khe nứt thẳng đứng); rải vữa xi măng, đặt hai lớp cốt thép lên bề mặt (với khe nứt nằm ngang) để ngăn ngừa khả năng vết nứt có thể phát triển lên các khối tiếp theo. Ở bề mặt hạ lưu của đập đã quét hợp chất bảo dưỡng chống bay hơi nước, bề mặt thượng lưu đã ốp các tấm xốp cách nhiệt.

Phía EVN dẫn các báo cáo của tư vấn giám sát thi công (SMEC-NIPPON KOEI-JPOWER), tư vấn thiết kế (Công ty Colenco) cho rằng nguyên nhân chính gây ra các vết nứt là do chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt bê tông và trong lòng khối đổ. Một chuyên gia về bê tông phân tích, khi đổ bất kỳ khối bê tông lớn nào đều có nguy cơ nứt do chênh lệch nhiệt độ. Vấn đề là tư vấn thiết kế phải đưa ra được các biện pháp hiệu quả nhằm tránh các vết nứt này (ví dụ làm lạnh bê tông xuống thật thấp khi mang ra đổ, đổ liên tục, không để thời gian chờ...). Có thể phía tư vấn thiết kế hoặc phía thi công đã không đưa ra được giải pháp hữu hiệu nên đã xảy ra nứt.

Về ảnh hưởng của vết nứt đối với an toàn đập, EVN đánh giá: “Các vết nứt xuất hiện được xem là vết nứt bề mặt. Các vết nứt này đã được mô phỏng tính toán kiểm tra, kết quả cho thấy không ảnh hưởng đến ổn định và yêu cầu chống thấm của đập. Các vết nứt sẽ tiếp tục được quan trắc để phân tích đánh giá một cách toàn diện”.

Cũng liên quan đến các vết nứt, hôm qua 19.2, ông Nguyễn Văn Liên, Phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước; ông Lê Quang Hùng, ủy viên thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng và đoàn công tác đã lên thủy điện Sơn La trực tiếp thị sát tại công trường.

Káp Thành Long

> 1.000 tỉ đồng cho tái định cư dự án thủy điện Sơn La 
Đẩy nhanh tiến độ thi công thủy điện Sơn La  
> Xuất hiện vết nứt trên đập thủy điện Sơn La
> Xác định lại nguyên nhân gây nứt đập thủy điện Sơn La 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.