Đã có gia súc ở Lào Cai chết vì rét đậm, rét hại

11/01/2015 17:06 GMT+7

(TNO) Theo ghi nhận của Thanh Niên Online , tính đến ngày 11.1, trên địa bàn huyện Sa Pa, huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai đã có gia súc bị chết do băng, tuyết.

(TNO) Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, tính đến ngày 11.1, trên địa bàn huyện Sa Pa, huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai đã có gia súc bị chết do băng, tuyết.

gia-suc-chet-retNhiều hộ dân trên địa bàn Lào Cai vẫn phải thả gia súc ra rừng vì không chuẩn bị được thức ăn dự phòng
- Ảnh: Dương Trang
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa khẳng định huyện đã phối hợp với các xã hướng dẫn người dân cách phòng chống rét cho gia súc, như quây chuồng trại, ủ cỏ chua... để hạn chế tối đa thiệt hại về gia súc vào mùa đông. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân chỉ qua hai ngày rét đậm, rét hại, đã có một số trâu bò chết rét, hàng chục con đang ngắc ngoải, bà con phải gọi thương lái tới để bán vội trước khi gia súc bị chết.
Anh Chảo Vần Phú, người xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) cho biết do biết trước mùa đông khắc nghiệt, gia súc có thể bị chết rét, anh cùng các hộ xung quanh tổ chức chống rét cho trâu, bò và các loại vật nuôi khác như đốt lửa, quây bạt kín chuồng trại, nhưng các biện pháp này đều không thể hiệu quả trước đợt rét đậm, rét hại này.
Nguyên nhân là do kỹ năng và kinh nghiệm tránh rét cho trâu bò của người dân miền núi còn nhiều hạn chế. Phong tục chăn thả gia súc tự do đã đi sâu vào tiềm thức của bà con nên rất khó thay đổi. Vì thế, người dân không chuẩn bị thức ăn dự phòng cho gia súc vào mùa đông như rơm khô, cỏ khô... giống bà con ở dưới xuôi mà họ chỉ nhốt trâu, bò được một hai hôm rồi lại thả ra ngoài rừng đi ăn. Đây là lúc trâu bò chết rét nhiều nhất.
trau-bo-chet-retTrâu non bị chết nhiều nhất trong tiết trời rét đậm, rét hại - Ảnh: Dương Trang
“Vài năm trở lại đây, nhiều người tìm cách đưa trâu, bò xuống vùng Cốc San, nơi có khí hậu ấm hơn dưới chân núi Hoàng Liên Sơn để tránh rét vào mùa đông. Nhưng trâu, bò vẫn chết như thường, thành thử chúng tôi đành phải chấp nhận vậy thôi”, anh Chảo Vần Phú cho biết.
Gia đình anh Phú có 3 con trâu thì hiện 2 con đang ngắc ngoải sắp chết, con còn lại đang được chăm sóc đặc biệt bằng cách nhốt trong chuồng kín. Hai hôm nay, anh phải chặt tre, luồng lấy lá và ra bìa rừng cắt cỏ cho trâu ăn. Hai con trâu ngắc ngoải anh đã gọi thương lái đến mua. Theo lời anh Phú, không chỉ gia đình anh mà một số hộ khác trong xã cũng đã có hiện tượng trâu, bò chết và đang yếu dần.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại xã Y Tí của huyện Bát Xát. Anh Giàng Bá Chư, một người dân địa phương phản ánh, do tuyết rơi dày, và mặc dù đã dùng lá cây quây kín chuồng trại nhưng hai con trâu nhà anh vẫn không sống nổi. Cũng như rất nhiều hộ gia đình khác tại đây, anh Chư không hề chuẩn bị thức ăn dự phòng vào mùa đông cho trâu, bò.
“Dân chúng tôi thả trâu ra núi cho nó đi ăn quen rồi, có bao giờ phải chuẩn bị cỏ khô đâu. Rét như mấy ngày nay, chúng tôi phải nhốt trâu trong chuồng đến trưa, chiều mới dám thả ra rừng cho chúng kiếm ăn. Con nào khỏe thì sống được về nhà, con nào yếu có khi chết ngay bìa rừng”, anh Chư cho biết.
Vẫn theo anh Chư, nếu trong vài ngày tới mà thời tiết không ấm lên, số lượng trâu bò bị chết rét có thể còn tăng nhanh hơn. 
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo Quốc lộ 4D, đoạn qua Sa Pa, người dân đã phải xẻ thịt trâu chết rét đem bán. Một số hộ không xẻ thịt mà đem bán nguyên con cho thương lái với giá khoảng 10 - 15 triệu đồng. Con nhỏ hơn không ai mua mới đem xẻ thịt bán trong bản làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.