Đã có giải pháp ngăn chặn sim rác, cuộc gọi lừa đảo

Thu Hằng
Thu Hằng
06/09/2023 19:50 GMT+7

Tới đây, những cuộc gọi điện thoại của cơ quan công quyền sẽ được định danh, những số lạ gọi đến người dân mà xưng danh cơ quan công quyền là lừa đảo. Đây là giải pháp ngăn chặn sim rác.

Thông tin về việc chặn sim rác kể trên được Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT-TT diễn ra chiều 6.9.

Đã có giải pháp mới ngăn chặn sim rác, cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

THU HẰNG

12,5 triệu sim rác đã bị loại bỏ

Theo ông Phạm Đức Long, trước đây, khi chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mặc dù Bộ TT-TT đã đưa ra các biện pháp xử lý các thuê bao nghi ngờ là sim rác nhưng không hiệu quả.

"Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đối soát thông tin thuê bao", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Sau khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến thời điểm này, Bộ TT-TT đã xây dựng được hệ thống kết nối đối soát thông tin thuê bao.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay: "Qua đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ TT-TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao. Trong đó, có 12,5 triệu sim rác không chính chủ đã bị đưa ra khỏi hệ thống do các chủ thuê bao này đến hạn không cập nhật, chuẩn hóa thông tin. Ngoài ra, có 7,15 triệu thuê bao chính chủ đã được chuẩn hóa thông tin".

Theo ông Long, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu sim mới được đưa ra thị trường. Hiện nay các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới đã kết nối online với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn lại 15% thuê bao thuộc các nhà mạng nhỏ chưa kết nối và đang được Bộ TT-TT xúc tiến kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát.

Lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, về cơ bản, các thông tin thuê bao mới đã được đối soát. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn có nhiều người sẵn sàng đứng hộ để đăng ký thông tin thuê bao. Có tới 80% trong 1,5 triệu sim phát hành mới qua các đại lý, còn lại là qua các kênh chuỗi của nhà mạng.

"Người dân đứng hộ tên tạo ra sim không chính chủ. Người thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng sim đấy đứng tên xong lại bán cho người khác. Qua kiểm tra chúng tôi đã yêu cầu các nhà mạng chấn chỉnh việc này", ông Long nói.

Cuộc gọi từ cơ quan công quyền sẽ được định danh

Trước câu hỏi vì sao sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn còn nhiều, Thứ trưởng Bộ TT-TT nhìn nhận, tin nhắn rác và tin nhắn lừa đảo là vấn đề nhức nhối. Để giải quyết nạn sim rác, các nhà mạng cũng cam kết từ ngày 10.9 sẽ xem xét dừng hoạt động các đại lý tạo ra thuê bao rác. Chỉ phát hành sim tại hệ thống và kênh chuỗi có uy tín. Đây là giải pháp là để các nhà mạng và Bộ TT-TT xử lý sim rác.

"Bộ TT-TT sẽ xử lý, xử phạt rất nghiêm nếu phát hiện đại lý của các nhà mạng phát triển thuê bao tạo ra thuê bao rác. Với những doanh nghiệp này tùy theo mức độ sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 12 tháng".

Đối với cuộc gọi lừa đảo, đối tượng chủ yếu dựa vào cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng... Tới đây, những cuộc gọi của các cơ quan công quyền sẽ được định danh. Số lạ nào gọi đến người dân mà xưng là cơ quan công quyền là lừa đảo.

Đối với các cuộc gọi rác, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký quảng cáo thì phải đăng ký số. Bộ sẽ tăng cường xử phạt, cuộc gọi quảng cáo mà không đăng ký tên thương hiệu sẽ bị xử phạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.