Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm - Kỳ 3: Câu hoài lang vang vọng

30/09/2009 15:37 GMT+7

Trong một quán ăn tại thị xã Bạc Liêu, không khí xô bồ cười nói bỗng nhiên lặng xuống khi ai đó bất chợt hát lên những giai điệu trong bài hát Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang: “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang? Dòng sông trôi mát trên vạt rừng tràm...xề u xế u liu phạn...dây tơ đàn kìm buồn thiết tha...”.

Tác giả bài hát- nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển tâm sự: “Ðêm đó tôi đi ghe dọc sông Gành Hào. Nửa đêm, vầng trăng bắt đầu rớt xuống trên những vạt rừng ngập, văng vẳng đâu đó trong tiềm thức là giai điệu Dạ cổ hoài lang, đẹp gì đâu!”.

Điệu buồn phương Nam

Nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển mở chiếc máy tính xách tay của mình cho chúng tôi nghe lại những sáng tác mà ông tâm đắc. Ngoài trời đang mưa rất to. Những giai điệu mượt mà, trữ tình như hòa lẫn vào tiếng mưa. Thỉnh thoảng ông dừng lại và chỉ cho chúng tôi cách hát thế nào cho đúng tình cảm của người miền Nam, dù ông là một người miền Trung chính gốc.

Hơn 40 năm trước, từ quê nhà Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển một mình xách va li đựng ít quần áo và một cây đàn violin vào miền Nam. Lý do chuyến ra đi này mới nghe tưởng giỡn chơi: chỉ vì “lỡ” mê cái chất lãng mạn phương Nam trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu! Và không phụ lòng người xa xứ, mảnh đất miền Nam bao la đã hồn nhiên cưu mang người con miền Trung liều lĩnh ấy. 

Cũng tại đây, trong một buổi đờn ca tài tử bên sông Bạc Liêu (chỗ cầu Kim Sơn bây giờ), chàng trai Vũ Ðức Sao Biển 23 tuổi đã lần đầu tiên “phát hiện” Dạ cổ hoài lang. Một bài ca chỉ vỏn vẹn 20 câu nhạc mà giai điệu sao ngọt ngào, tha thiết như thâu tóm trọn vẹn cái chất oán, chất thương của hồn tính lãng mạn phương Nam. Thì ra đây cũng chính là nguồn gốc của bản vọng cổ, của Tình anh bán chiếu mà ông say mê. 

Lần đầu tiên sau 15 năm, vở kịch Dạ cổ hoài lang sẽ được trình diễn ngay trên quê hương Bạc Liêu trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 90 năm bản Dạ cổ hoài lang. Suất diễn duy nhất sẽ diễn ra vào 20g ngày 1-10-2009 tại rạp Cao Văn Lầu, với sự tham gia của các nghệ sĩ: Việt Anh, Thanh Hoàng, Công Ninh...

Phát hiện này như bước ngoặt lớn mở ra một lối rẽ mới trong sự nghiệp sáng tác của Vũ Ðức Sao Biển: sáng tác nhạc trữ tình dựa trên những âm hưởng cổ nhạc miền Nam, của Dạ cổ hoài lang.

Ðối với nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển, những hò, xự, xang, xê, cống của cổ nhạc tạo nên những nốt nhấn chơi vơi trên phím đàn, phát ra những âm thanh lơ lửng rất lạ. Ðiều này khác hẳn với khuôn nhạc định âm của đồ, rê, mi, pha, son trong chuẩn nhạc phương Tây mà ông từng học. Thẩm thấu Dạ cổ hoài lang, ông nhận ra nhạc sĩ Cao Văn Lầu quả đúng là bậc cao nhân. Giai điệu ấy đẹp đến não nùng, cao độ được thay đổi liên tục, khử hẳn tính đơn điệu thường thấy của nhạc cổ. 

Tuy nhiên những giai điệu này cứ đi chơi vơi theo kiểu truyền miệng từ người này đến người khác, từ năm này đến năm khác với nhiều dị bản về lời ca và nét nhạc, mỗi người, mỗi vùng lại hát một kiểu tùy theo cảm hứng. Vì thế trong một lần trở lại Bạc Liêu năm 1999, ông đã nhận lời lãnh đạo tỉnh ký âm lại Dạ cổ hoài lang theo cung mi thứ (tương đương giọng đào trong cổ nhạc). Sau đó bản nhạc này được ca sĩ Hương Lan và Hạnh Nguyên hát tại Hà Nội như một ca khúc trữ tình độc lập và được phổ biến rộng rãi đến ngày nay.

Nhạc sĩ Vũ Ðức Sao Biển năm nay đã ngoài 60 tuổi, vừa trải qua một cơn bệnh nặng. Tuy nhiên, khi ai đó nhắc đến miền Nam, đến Dạ cổ hoài lang, ông lại say sưa và mê đắm. Trong số 64 ca khúc mà ông công bố có đến hơn một nửa là những bài hát phát triển từ dân ca, cổ nhạc, lấy cảm hứng từ Dạ cổ hoài lang: Ðiệu buồn phương Nam, Trở lại Bạc Liêu, Ðêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Gửi về nơi cuối đất, Tiếng chim rừng châu thổ, Mẹ Cửu Long, Tình ca phương Nam...

15 năm khóc cùng ông Tư, ông Năm

Ông Tư và ông Năm là hai ông bạn già theo con cháu làm người xa xứ nơi đất Mỹ phồn thịnh. Trong lòng hai ông luôn mang một tình yêu mãnh liệt mà lớp trẻ nơi đất khách không thể nào hiểu được: tình yêu quê hương. Ðến ngày giỗ của vợ ông Tư và cũng là người yêu cũ của ông Năm, hai người bạn già đã cố gắng làm một cái giỗ đơn sơ với mâm cơm nhỏ, nén nhang trầm. 

Nhưng rồi những đứa cháu lớn lên trong một xã hội hào nhoáng và đầy sức lôi cuốn bản năng đã trở thành người xa lạ với chính ông của mình, trở thành “thế hệ quả chuối” (bên ngoài da vàng nhưng bên trong đã thành da trắng). Nỗi đau không thể hiểu nhau giữa hai thế hệ được khoét sâu vô tận. Ông Tư ra đi trong mùa đông lạnh giá. Cô cháu gái từ đây sẽ phải tự đi định nghĩa hai tiếng “quê hương” cho chính bản thân mình.

Ðó là nội dung vở kịch Dạ cổ hoài lang của tác giả Thanh Hoàng, trình diễn trên sân khấu nhà hát 5B Võ Văn Tần đã 15 năm nay. Kể từ năm 1994, vở kịch đã có hơn 500 suất diễn kín rạp - một kỷ lục hiếm có của làng kịch Sài Gòn. Khi tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995, vở đã tạo ra một cơn chấn động khi nhận một huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc, bốn huy chương vàng cho cả bốn nghệ sĩ tham gia, giải A cho tác giả kịch bản. 

Hội Nghệ sĩ sân khấu VN trao giải cho vở diễn trong năm. Quỹ phát triển văn hóa Thụy Ðiển cũng trao giải xuất sắc... Nghệ sĩ Lan Hương chạy lên sân khấu khóc như mưa, nghệ sĩ nhân dân Ðào Mộng Long quên cả đường về nhà, một khán giả ngồi ở hàng ghế đầu đứng bật dậy tát vào mặt nghệ sĩ Phương Linh (trong vai cô cháu gái): “Ðồ con gái mất nết!”.

Suốt 15 năm qua, trong những khán giả xếp hàng mua vé vào xem Dạ cổ hoài lang có rất nhiều Việt kiều về thăm quê hương. Dưới những hàng ghế, họ lặng lẽ lau nước mắt khi nhân vật ông Tư, ông Năm trèo lên sân thượng một tòa cao ốc chọc trời giữa một đêm tuyết lạnh, ca bản Dạ cổ hoài lang cho thấu trời nỗi nhớ quê hương. Họ như gặp lại những hoài niệm rưng rưng của một thời, nơi vùng quê bình yên, có bến sông, con đò, câu hò diệu vợi.

Giai điệu “Từ là từ phu tướng...” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã hiển nhiên trở thành một biểu trưng cho văn hóa dân tộc, cho tình yêu quê hương đất nước. Giai điệu ấy đi xuyên qua vở kịch như là tâm hồn của tiếng Việt, đất Việt, như là tâm trạng chung của cả một thời kỳ, của nhiều thế hệ tiếp nối.

Theo Hoàng Oanh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.