Đây thật sự là tin vui đối với những người làm nghề sản xuất đèn lồng Hội An. Một khi sản phẩm đã có thương hiệu sẽ góp phần đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, cải thiện tình hình kinh tế cho người làm nghề.
Việc đăng ký nhãn hiệu cho đèn lồng Hội An được 35 cơ sở sản xuất đèn lồng Hội An thực hiện từ năm 2004. Nhãn hiệu này có hình chùa Cầu được cách điệu và hình chiếc đèn lồng đặt ở trung tâm với dòng chữ “Đèn lồng Hội An” bên dưới.
Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên bởi chúng đơn giản, dễ làm, chỉ cần chịu khó. Theo những người trong nghề cho biết "Ông tổ" nghề làm đèn lồng ở Hội An có tên là Xã Ðường, chuyên làm đầu lân, lồng đèn trong những đêm hội hay trong các cuộc thị đấu xảo, thi đèn kéo quân.
Ðèn lồng ở Hội An có nhiều kích cỡ, nhiều hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi giản đơn đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu.. Trước đây, khi chưa tổ chức "Ðêm phố cổ", trên bàn thờ mỗi nhà ở Hội An đều có treo 2 chiếc đèn lồng lớn được viết chữ Tàu rất dẹp, đó là tên dòng họ của mỗi tộc.
Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Từ khi phố cổ Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, nghề làm đèn hồi sinh, mang lại công ăn việc làm cho dân phố cổ.
Đèn lồng Hội An hiện nay đa dạng về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Các nghệ nhân đã nghiên cứu và sản xuất những loại lồng đèn khi mang đi xa có thể xếp nhỏ, gọn.
Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.
(Theo VnMedia)
Bình luận (0)