Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền

04/03/2012 03:42 GMT+7

Khi xây dựng luật Đất đai năm 2003, quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ hạn điền. Nhưng nội dung này không được chấp nhận ở Quốc hội.

Ngăn chặn hình thành “địa chủ mới”

Hạn điền là một chính sách đất đai quan trọng của các triều đại phong kiến trước đây nhằm hạn chế khả năng chiếm giữ nhiều đất đai của giai cấp địa chủ, bảo vệ đất đai của nhà vua. Mọi vua đều muốn chứng minh tính độc quyền về đất đai của mình.

Nhà nước ta đã thực hiện cải cách ruộng đất trong giai đoạn 1953 - 1956, xóa đi toàn bộ giai cấp địa chủ, lấy ruộng đất của địa chủ chia đều cho dân cày. Mặc dù cải cách ruộng đất có một số sai sót nhưng đã đạt được hoàn toàn mục đích nêu trong khẩu hiệu "người cày có ruộng" của Đảng ta. Nhưng rồi mô hình hợp tác xã đã mất dần động lực, năng suất và sản lượng nông nghiệp giảm nhanh, nước ta rơi vào tình trạng thiếu lương thực trong những năm giáp giai đoạn đầu Đổi mới (1982 - 1988).

Thành công đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới là chính sách giao lại ruộng đất của hợp tác xã cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài. Người nông dân lại có đất sau cuộc cải cách lần thứ hai này. Lập tức năng suất và sản lượng lương thực tăng lên vùn vụt, không chỉ đưa người nông dân thoát đói mà còn đưa nước ta lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Khi luật Đất đai 1993 thể chế hóa việc nhà nước giao đất cho hộ gia đình và cho phép thực hiện quyền chuyển nhượng thì Chính phủ đã nghĩ ngay tới chính sách hạn điền trước đây với mục tiêu ngăn chặn tầng lớp "địa chủ mới" hình thành và lớn lên. Nghị định 64/CP ngày 27.9.1993 của Chính phủ đã quy định mức hạn điền là 3 ha tại các tỉnh thuộc Nam bộ và 2 ha tại các nơi khác đối với đất trồng cây hằng năm; 10 ha tại các xã đồng bằng và 30 ha tại các xã trung du, miền núi đối với đất trồng cây lâu năm (điều 5).

Trên thực tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước đã đặt ra yêu cầu giảm dân số trong khu vực nông thôn. Hiện nay, cơ cấu dân số ở ta là nông thôn 70%, đô thị 30%. Khi nước ta thành một nước công nghiệp thì tỷ lệ trên sẽ đảo ngược lại, nông thôn 30%, đô thị 70%. Điều này có nghĩa là ai còn ở lại khu vực nông thôn thì người đó phải là các gia đình chí thú làm nông nghiệp. Những gia đình đó phải có đất rộng, thời gian sử dụng dài mới có thể tính tới đầu tư lớn, đầu tư chiều sâu về thủy lợi, giao thông, cơ khí, điện, sinh học... trên cánh đồng của mình. Cơ sở sản xuất nông nghiệp hiện đại phải dựa trên mô hình trang trại, lúc đầu có thể nhỏ, rồi lợi ích từ sản xuất giúp họ mở rộng thêm đất đai. Họ nhận chuyển nhượng thêm đất của những người có điều kiện chuyển công việc lên đô thị. Năng suất và sản lượng nâng lên rất cao sẽ làm thu nhập ở nông thôn không thua kém gì ở đô thị.

Muốn tạo được ngữ cảnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân như vậy, cần phải loại đi sự manh mún ruộng đất. Tức là, phải xóa bỏ chính sách hạn điền hoặc ít nhất nếu có dùng cũng phải mở hạn mức ra rất rộng.


Đất trồng lúa của người dân hiện phân tán manh mún - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đừng để người nông dân cô đơn

Khi xây dựng luật Đất đai 2003, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chuyển hạn điền theo quy định của Nghị định 64/CP thành hạn mức giao đất của nhà nước và không có quy định gì thêm. Điều này có nghĩa là luật chỉ quy định rằng nhà nước có sức giao đất (không thu tiền) đến vậy thôi, không có hơn; ai muốn có hơn thì phải lo làm ăn để có tiền nhận chuyển nhượng của những người không còn "say mê" nông nghiệp nữa và cũng không có hạn mức diện tích được nhận chuyển nhượng. Chính phủ xem xét cũng đồng ý cách giải quyết như vậy, tức là đồng ý xóa bỏ hạn điền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý như vậy.

Thế nhưng, khi thảo luận dự thảo luật Đất đai ở Quốc hội, một đại biểu Quốc hội đã sử dụng tri thức lịch sử để nghi ngại rằng không thể bỏ được hạn điền vì các triều đại phong kiến trước đây chưa vua nào dám bỏ. Chỉ một ý kiến thôi cũng làm cho Chủ tịch Quốc hội lúc đó phân vân mà chỉ đạo cần phải bổ sung hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Thế là điều 71 phải thêm vào khoản 3 "Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do Chính phủ trình UBTV Quốc hội quyết định". Việc đổi mới lại bị chậm lại 10 năm.

Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2004, nhưng mãi tới 21.6.2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thông qua được Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với mức khoảng gấp đôi hạn mức giao đất của nhà nước. Ngoài ra, điều 3 của nghị quyết nói rằng ai đã nhận chuyển nhượng chính thức trước ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành thì không bị coi là vượt hạn điền. Thú vị hơn, nghị quyết không có bất cứ một quy định nào về việc xử lý những người sử dụng đất vượt hạn điền. Tất nhiên, những người nông dân bạo gan nhận chuyển nhượng vượt hạn điền vẫn cứ lo lắng vì e rằng đến một ngày nào đó, có một quy định nào đó nói rằng phải thu hồi lại đất sử dụng vượt hạn điền thì họ sạt nghiệp.

Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Mỗi hộ gia đình có tới cỡ trên một chục thửa đất nhỏ. Sự manh mún như vậy là hệ quả của quá trình giao đất trước đây cho hộ gia đình trên nguyên tắc công bằng "có tốt, có xấu, có gần, có xa". Ngữ cảnh này là một rào cản lớn cho sự phát triển nông nghiệp. Theo số liệu năm 2006, cả nước có 70,4% số hộ có tổng diện tích đất dưới 0,5 ha, 3,5% có diện tích trên 3 ha. Mức độ manh mún của vùng đồng bằng sông Hồng còn mạnh hơn, 94,3% số hộ có tổng diện tích dưới 0,5 ha. Nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để thửa đất rộng hơn nhưng kết quả cũng chưa được là bao.

Sự thực, chúng ta có một nhầm lẫn rất lớn, đó là mặc nhiên coi hạn điền là chính sách duy nhất để ngăn chặn tình trạng người không trực tiếp sản xuất bỏ tiền mua đất để bóc lột người trực tiếp sản xuất nhưng không có đất. Chúng ta có nhiều chế tài khác để chặn được tình trạng tiêu cực này. Đánh thuế cao vào người có nhiều đất nhưng không trực tiếp sản xuất; tịch thu, sung công đất khi có hành vi phát canh thu tô. Chỉ lo ngại rằng chính quyền địa phương không quyết tâm ngăn chặn việc hình thành địa chủ mới. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nếu địa chủ mới có hình thành thì cũng sẽ núp dưới dạng chủ một doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân.

Giải pháp tốt nhất trong luật Đất đai mới là hãy bỏ quy định về hạn điền để tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư dài hạn, phát triển kinh tế trang trại nhằm nâng cao năng suất và sản lượng. Nhà nước cần hỗ trợ nông dân về vốn, công nghệ, quản lý, thông tin và tiếp cận thị trường. Hãy để người nông dân trực tiếp sản xuất làm chủ cánh đồng của mình, làm cho mỗi tấc đất nông nghiệp cũng là một tấc vàng. Đừng để người nông dân cô đơn với những tư duy ngắn hạn. 

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.