Webgame chiến thuật đổ bộ thị trường
Nếu chỉ tính sơ sơ trong nửa đầu 2015, hàng loạt trò chơi webgame chiến thuất đã xuất hiện tại thị trường Việt, những cái tên đó là Trinh Đế, Công Thành Chiến, Đại Hoàng Đế và mới nhất là Yêu Tiên Truyện. Có thể nói, đây là sự trỗi dậy đáng kể của dòng game này, sánh ngang về mức độ phổ biến của webgame bắn súng - cũng là một nhánh webgame khác phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Mặc cho sự phát triển của dòng game thẻ bài và sự thống trị xưa nay của webgame nhập vai, các trò chơi mang tính chiến thuật này vẫn có thể tạo được chỗ đứng vững chãi trong cộng đồng game thủ nước nhà. Rất nhiều game đã thành công hoặc tạo được bản sắc khác biệt giữa một "rừng" webgame tại thị trường Việt.
Game chiến thuật trở lại và lợi hại hơn xưa
Nổi bật nhất về việc gầy dựng được chỗ đứng vững chắc, chính là Trinh Đế và Công Thành Chiến, cả hai đều đã phát triển được trong một quãng thời gian nhất định và gặt hái được khá nhiều lời khen ngợi. Đây là hai sản phẩm thật sự chất lượng và ít nhiều truyền cảm hứng cho cuộc "nổi dậy" của webgame chiến thuật.
Chính thức Closed Beta từ giữa tháng 1 năm nay, Trinh Đế ẵm trọn một quãng thời gian dài độc tôn ngôi vị webgame chiến thuật hay nhất nhì thời điểm đó. Khác với các sản phẩm cùng dòng game đã ra mắt tại Việt Nam, Trinh Đế áp dụng thành công cơ thế thẻ bài (được gọi là Hồn Tướng trong game), tạo nên sự hấp dẫn cho mình. Bên cạnh đó, trò chơi này cũng cung cấp cho game thủ khả năng tùy biến đội hình/ chiến thuật vô cùng cao.
Trinh Đế tiên phong cho sự trỗi dậy của game chiến thuật
Ngay sau Trinh Đế, Công Thành Chiến cũng đã gầy dựng được tiếng vang lớn, do cổng game 360game phân phối tại Việt Nam. Đáng chú ý, Công Thành Chiến trước khi về Việt Nam cũng đã lừng lẫy tại thị trường Trung Quốc với hơn... 400 máy chủ hoạt động trong cùng thời điểm. Do đó, khi nhập khẩu về nước, Công Thành Chiến thu hút một số lượng không nhỏ game thủ đam mê game chiến thuật nói chung, và cả những game thủ “nghiền” Công Thành Chiến nhưng vẫn phải… chịu khổ dịch tiếng Trung bên kia để “về nước”.
Không chỉ kế thừa những tính năng cốt lõi của webgame chiến thuật, Công Thành Chiến còn nâng thao lược của người chơi lên mức độ cao hơn trong vai trò "chúa công". Ngoài việc tập trung tính toán cho từng trận đánh, bạn phải mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình bằng cách công phá và điều hành nhiều thành trì khác nhau.
Tiếp nối thành công, Công Thành Chiến trở thành thế lực mới
Thành công nối tiếp thành công đang là cái đà rất lớn để các game chiến thuật khẳng định chỗ đứng của mình. Không quá ngạc nhiên khi trong vòng ít tháng sau, webgame chiến thuật Đại Hoàng Đế chính thức ra mắt. Chưa hết, thể loại này còn lấn sân sang cả mobile game, khi Yêu Tiên Truyện cũng đã có những dấu chân đầu tiên trên dế yêu của bạn.
Liệu có dễ soán ngôi?
Game chiến thuật đang có những bước đi khá tốt, những tựa game nền tảng đầu tiên ít nhiều cũng cho thấy thành công trong một thời gian khá dài, thậm chí còn tồn tại “dài hơi” hơn rất nhiều so với các thể loại webgame nhập vai khác. Nếu so sánh đơn thuần, thì chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những điểm khập khiễng, vì vốn dĩ giữa các game không có mấy điểm chung. Nhưng nếu quy vào những yếu tố như độ khó, chiều sâu của game, sự thử thách, thì game chiến thuật chắc chắn chiếm ưu thế.
Game chiến thuật thường có độ khó cao
Cái tên game chiến thuật cho chúng ta thấy rằng, game không đơn giản như dạng điều chỉnh một nhân vật đi lòng vòng, bấm cái “bụp” là gác chân gác tay nghỉ khỏe, để hết cho auto lo liệu. Game chiến thuật đòi hỏi mỗi người chơi phải hiểu rất rõ mỗi vị tướng khi xuất trận, nắm được lúc nào nên công thành, lúc nào nên nằm yên chờ thời.
Chẳng hạn như trong Công Thành Chiến, mỗi người chơi không thể chỉ biết tới nhân vật của mình giống các game nhập vai khác, mà thay vào đó phải nắm bằng rõ gần 50 vị tướng của game. Bởi lẽ, mỗi vị tướng với một loại binh chủng riêng, đồng nghĩa với độ hữu dụng, khả năng thích ứng với đội hình cũng khác biệt. Lấy ví dụ đơn giản, chỉ một vị tướng như Cam Ninh chuyên về cận chiến, thì cũng đã có muôn cách sử dụng: tiên phong gây sát thương, tiên phong khống chế, hộ công sát thương chủ lực, hộ công dạng sát thủ ( ám sát ngay lập tức một tướng địch yếu máu nhất của đối phương). Rồi cũng chỉ vì vị tướng ấy, mà đội hình đối phương phải sắp xếp tới cả chục vị trí khác nhau, suy nghĩ từng vị tướng giao tranh phù hợp trong tổng số gần 50 vị tướng trong game. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sự phức tạp, rắc rối kèm độ khó của những dòng game này.
Công Thành Chiến là thể loại game chiến thuật phức tạp
Đấy là điểm ưu, nhưng đồng thời cũng là cái nhược điểm cố hữu. Độ khó game cao, đòi hỏi trình độ người chơi và độ kiên nhẫn, tìm tòi và sáng tạo cũng cao không kém. Nói đơn giản, thì game chiến thuật rất kén chọn người chơi. Do đó, chúng không thịnh hành và phổ biến cho mọi game thủ, mọi lứa tuổi. Chưa kể, đối với những người chơi thích dòng game truyền thống, chán những giờ phút ngẫm nghĩ tĩnh lặng, thích phô diễn kỹ năng xây dựng nhân vật,... thì game chiến thuật hoàn toàn không phù hợp.
Game chiến thuật đời sau có tiếp tục thành công?
Mỗi dòng game đều có ưu và nhược riêng biệt, nhắm đến những đối tượng khách hàng cũng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chất lượng của webgame chiến thuật đang ngày càng đi lên, ngày càng hấp dẫn và tạo được dấu ấn riêng. Trong khi đó, dòng game nhập vai truyền thống đang có dấu hiệu "nhai đi nhai lại" những công thức cũ, chưa kể đồ họa 2D của dòng webgame này không hề có nhiều tiến triển trong suốt hàng chục năm.
Liệu game chiến thuật sẽ tiếp tục phát triển mạnh, và đến một ngày nào đó sẽ trở thành thể loại game thịnh hành nhất trên nền web?
Bình luận (0)