Da diết tiếng sáo Mông trước nhà thờ đá Sa Pa

15/11/2015 15:58 GMT+7

(TNO) Đêm cuối tuần Sa Pa mát lạnh, lảnh lót tiếng sáo Mông của người đàn ông ngoài 50 tuổi đủ làm quán nước chè đông kín khách.

(TNO) Đêm cuối tuần Sa Pa mát lạnh, lảnh lót tiếng sáo Mông của người đàn ông ngoài 50 tuổi đủ làm quán nước chè đông kín khách.

sao-Mong-ky-la-truoc-nha-tho-da-Sa-PaÔng Nguyễn Đại Dương thổi sáo Mông trước nhà thờ đá Sa Pa - Ảnh: Tuấn Phạm
Người mới lần đầu đến Sa Pa thường khá ngạc nhiên khi trước nhà thờ đá đêm thứ 7, chủ nhật nào cũng âm vang tiếng sáo réo rắt. Tiếng sáo cất lên từ một quán nước chè mộc mạc, có một chiếc bàn, dăm cái ghế, ít chè tàu, thuốc lá.
“Chú ơi, thổi Xuân về trên bản Mông đi?”, “Chú Dương ơi, hay là Tình ca Tây Bắc nhé?”, những người trẻ sốt sắng. Người đàn ông tóc hoa râm cười điềm đạm và lần lượt tiếng sáo trong vắt cất lên. Anh thanh niên bỏ điếu thuốc trên môi, cô gái tay chống cằm, mắt hướng xa xa về những rặng núi. Trong tiếng sáo là giai điệu thân quen của Xuân về trên bản Mông.
“Em cảm giác như nhìn thấy hoa tam giác mạch, thấy cả những chiếc váy xòe hoa rực rỡ của những cô gái Mông”, một cô gái khẽ khàng bảo với bạn trai bên cạnh. Một người khác lên tiếng: “Có cảm giác thấy cả những mái nhà trên núi đá tai mèo, có những hàng rào đá và vàng ươm màu hoa cải”. Tiếng sáo Mông (còn gọi là sáo Mèo) trước nhà thờ đá Sa Pa hơn chục năm qua chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn, dù du khách có một năm trở lại Sa Pa vài ba lần.
sao-Mong-ky-la-truoc-nha-tho-da-Sa-PaQuán nước chè trước nhà thờ đá Sa Pa luôn đông kín khách mỗi tối cuối tuần - Ảnh: Tuấn Phạm
Người thổi sáo là ông Nguyễn Đại Dương, trú ở tổ 9, thị trấn Sa Pa, Lào Cai. Không phải một người dân tộc Mông, bố ông Dương là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Hà Tây (Hà Nội), mẹ là người phụ nữ Dao ở Sa Pa, ông Dương lớn lên ở Sa Pa, từ nhỏ đã say mê cây sáo và tự học những điệu sáo Mông.
Ít người biết ông Dương bị hỏng tai phải, tai trái cũng nghe rất kém, cần máy trợ thính. Ông Dương cũng không học qua bất kỳ lớp học nào về âm nhạc. Thế nhưng, cảm thụ âm nhạc bằng trái tim, chơi nhạc bằng cả đam mê, tiếng sáo ông Dương cất lên có trong đó cả sự thấu hiểu về phong tục, nếp sống, con người ở Sa Pa, vùng đất nuôi lớn ông và là nơi ông gặp người phụ nữ của mình, bà Nguyễn Thị Kim Chung.
Ban ngày ông Dương sống bằng nghề cắt tóc, tiệm cắt tóc nhỏ xíu, bình dị giữa Sa Pa. Tối cuối tuần, hai vợ chồng dọn quán bán nước chè trước nhà thờ đá Sa Pa. Bà Chung pha trà cho khách, ông Dương cất tiếng sáo cho tất cả những ai đến với Sa Pa. Giá nước chè cũng chỉ vài ngàn đồng, không phải vì tiếng sáo mà cao hơn nơi khác. Ông Dương thổi những bản nhạc mà khách yêu cầu, không lấy tiền công. Ông Dương nói mười mấy năm gắn bó trước nhà thờ đá này, chắc bản Xuân về trên bản Mông ông thổi nhiều nhất, được khách yêu mến nhất.
sao-Mong-ky-la-truoc-nha-tho-da-Sa-PaBên chén nước chè nóng người ta thích thú được nghe tiếng sáo Mông kỳ lạ - Ảnh: Tuấn Phạm

sao-Mong-ky-la-truoc-nha-tho-da-Sa-PaNước chè của Nguyễn Đại Dương như một "món ngon" lạ miệng giữa Sa Pa - Ảnh: Tuấn Phạm
So với tiếng sáo trúc thông thường, tiếng sáo Mông cho âm thanh chuẩn hơn, sâu hơn, dày hơn, nghe da diết hơn. Người Mông ở Sa Pa còn gọi sáo Mông là sáo “lưỡi gà”. “Lưỡi gà” là bộ phận ở miệng cây sáo, làm bằng bạc hoặc bằng đồng, đây là bộ phận khó làm nhất của cây sáo, nhưng lại là phần quyết định tạo nên sự độc đáo của âm thanh.
Một cây sáo trúc bình thường giá có thể từ 100 - 200.000 đồng, nhưng giá tiền một cây sáo Mông có thể từ 2 triệu đồng.
Mê mẩn tiếng sáo của ông Dương trước nhà thờ đá, nhiều người đến quán nước của ông Dương tìm mua sáo. Ông Dương bắt đầu bán sáo Mông tự làm từ năm 1999. Để làm được chiếc “lưỡi gà” cho sáo Mông, ông Dương phải tự mày mò cách đổ đồng cho không vỡ. Sa Pa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến hơn, tiếng sáo Mông cũng được thêm nhiều người hâm mộ.
sao-Mong-ky-la-truoc-nha-tho-da-Sa-PaQuán nước chè sáo Mông của ông Dương như một địa chỉ văn hóa - Ảnh: Tuấn Phạm
Sa Pa bây giờ không còn cảnh hàng quán bán tràn lan, những hàng đồ nướng ở thị trấn muốn mở cửa phải sau 21 giờ, tuy nhiên, quán nước chè của vợ chồng người thổi sáo vẫn được ưu ái một vị trí rất trung tâm, giữa Sa Pa.
Bởi nói như ông Phạm Tất Thành, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Sa Pa, quán nước chè sáo Mông như một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng sống về văn hóa Sa Pa, nơi người ta thêm yêu, thêm nhớ mảnh đất này.
Tiếng sáo Mèo như quen như lạ
Nửa giận hờn nửa khắc khoải nhớ thương
Câu hỏi rộn ràng gõ lên từng vách đá
Tiếng trả lời mong manh như sương
Người ta không nhớ những câu thơ đó của ai, nhưng tâm khảm lại bồi hồi khi thoáng nghe, cảm giác như mình đang đi giữa núi rừng Tây Bắc, có tiếng sáo Mông đang vang vọng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.