Đa đoan trai công sở gái văn phòng

19/08/2017 14:28 GMT+7

Trong bất cứ ngành nghề nào, chốn công sở văn phòng luôn là một thế giới thu nhỏ, chiếm gần nửa phần đời để gắn bó mỗi ngày với cuộc sống đa sắc màu như chiếc kính vạn hoa.

Từ cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 19 đến sự trỗi dậy của nền kỹ thuật thông tin thế kỷ 21, một lớp người có nơi chốn làm việc riêng là công sở, văn phòng đã ra đời và thuật ngữ “dân cổ cồn trắng” hay “dân văn phòng, công sở” nhanh chóng cập nhật tự điển của các viện hàn lâm thế giới.
Màu trắng, màu xanh và màu hồng đặc thù
Khi nhà văn Mỹ Upton Sinclair lần đầu tiên dùng từ “White Collar” (cổ cồn trắng) để mô tả các nhân viên văn thư, hành chính và quản lý đương đại của những năm 1930, thì trước đó ở các quốc gia như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Anh… đã xuất hiện những anh chàng mặc sơ mi khoác vest, thắt cà vạt và các cô nàng diện trang phục công sở hiện đại, chững chạc, lịch lãm.
Màu cổ sơ mi trắng của dân văn phòng, công sở lúc ấy được dùng để phân biệt với sắc xanh ở áo đồng phục của dân lao động chân tay và tông hồng của những người làm việc trong các ngành nghề giao tế liên hệ, giải trí và buôn bán thương mại, dịch vụ.
Ngày nay, sự phân biệt ấy không còn riêng rẽ nữa vì ranh giới ngăn cách giữa chúng đã mờ nhạt. Một trai văn phòng có thể kiêm nghề Grab-bike, cô nàng công sở có thể có thêm nghề tay trái là buôn bán qua mạng. Đặc biệt cũng xuất hiện cả giới “cổ cồn trắng” không cần làm việc ở văn phòng cố định 8 tiếng một ngày, là những freelancer, tức dân hành nghề tự do.
Ngày nay, công cụ tìm kiếm Google đưa tràn ngập thông tin về những mối lo sức khỏe của giới lao động này khiến nhiều mảng lý thú khác của họ bị mờ nhạt. Khám phá tâm lý môi trường làm việc họ phải gắn bó mỗi ngày, ít nhất 8 tiếng sẽ có nhiều điều thú vị.
Trai công sở, gái văn phòng
So với các giới lao động khác, với dân văn phòng mong ngày nghỉ và ngày làm khác nhau một trời một vực. Thậm chí, khi đi làm hầu như dân công sở nào cũng nghĩ đến ngày nghỉ. Còn ngày nghỉ họ lại mong ngày đi làm chậm đến. Trong giấc ngủ tối chủ nhật, cơ chế báo thức cho hôm sau rất đa dạng, từ đồng hồ báo thức, điện thoại đến cả câu “Mẹ ơi, chồng, vợ ơi, nhớ gọi nhé!”.
Hội chứng “sáng thứ hai” gần như dành riêng cho dân văn phòng với vô số tranh biếm đã minh họa họ xuất hiện ở công sở với bộ mặt thiểu não, dáng điệu ủ rũ, chậm chạp, ít nói. Những quyết định của công ty thường được đưa ra vào thứ hai trong buổi giao ban có sếp khiến dân công sở càng cảm thấy áp lực hơn, sốt ruột ngay từ cái ngột ngạt chen nhau nơi thang máy.
Thế nên điện thoại và Facebook bỗng trở thành những người bạn thân thiết nhất trong 8 tiếng đồng hồ của họ ở văn phòng, có khi còn gần gũi hơn cả đồng nghiệp. Còn thế giới giao tiếp xã hội của dân công sở ngoài văn phòng là những đâu? Đó là nơi mua sắm 41%, quán cà phê 35%, nhà hàng 31%, các sự kiện 18% và phòng tập gym 8%.
Thực tế hiếm có công ty nào dân số nam, nữ cân bằng, điều này cũng ít nhiều tác động đến tâm lý khác nhau của 2 giới.
Đa đoan trai công sở gái văn phòng 1
Ảnh: Dũng Ninh
Thế giới các nàng lại không quá căng thẳng hay lặng lẽ như mấy anh. Thế giới “gái công sở” đã lấn lướt trở thành chủ đề nóng trong xã hội lúc này. Nó sống động, sôi sùng sục mỗi ngày và thực sự làm nên bức tranh đa sắc trong các lăng kính của chiếc kính vạn hoa.
Đây là một thế giới phong phú chủ đề từ shopping, làm đẹp, thời trang, thông tin, ẩm thực lẫn truyền thông. Những thống kê thú vị từ FoxNews đã khái quát phác ra vài nét của phái đẹp chốn công sở khá lý thú. 43% dân nữ văn phòng được cho là thấy đồng nghiệp mua gì cũng bắt chước mua theo, mặc dù chẳng biết dùng nó để làm chi. 71% lấy kiểu tóc mới để truyền đạt thông tin đầu ngày về mình. 82% lúc nào cũng thấy cơ thể béo ra. Ăn trưa là vấn đề phân vân nhất, được bàn tới bàn lui từ khi bật máy tính, ngay cả những thứ đồ ăn họ mang tới văn phòng cũng thành chủ đề nóng. Dù chỉ có 37% bàn về đàn ông, nhưng đến 78% nội dung ấy nói về trai… đẹp từ các bộ phim hoặc từ thế sự showbiz.
Nếu thử hỏi cánh đàn ông văn phòng ngại gì nhất trước các chị em công sở, nhiều anh cho biết là sợ nhất là các ngày lễ. Thực tế là trong năm có nhiều ngày lễ nhưng phần lớn là không được nghỉ, và hầu hết các lễ ấy lại dành cho các chị em. Có lễ tất có chuyện quà cáp. Người có quà thì lao nhao so sánh với nhau, người không có quà thì lấy… quà của đồng nghiệp ra mổ xẻ giùm, không khí rất rộn ràng giữa cái áy náy về… quà của cánh đàn ông!
Môi trường làm việc đầy áp lực và gắn bó mỗi ngày cũng là tác nhân ít nhiều của các thiên tình sử công sở. Thế nên, cây viết Lê Thị Liên Hoan cũng nhá lên lời báo động dí dỏm: “Nhìn những cao ốc văn phòng sừng sững ngày càng vươn cao, các bà vợ và các ông chồng tốt nhất cũng luôn luôn cảnh giác, dù nói cho cùng, chỉ những ai hoạt động rộng, giao tiếp nhiều mới có khả năng tìm bồ ở xa hoặc ở môi trường lạ, chứ phần lớn nhân viên, công chức đều ở tình trạng “gà què ăn quẩn cối xay”, nếu không tìm bồ bịch cùng công ty thì chỉ có… ở vậy suốt đời!”.
Từ ám ảnh freelancer đến cánh cửa làm việc toàn cầu
Phong cách làm việc hành nghề tự do, tức những freelancer, đang trở thành đối trọng mới cho giới văn phòng, nhất là trong một số ngành nghề công nghệ thông tin như dân lập trình, thiết kế dự án, viết phần mềm… Khi stress đến, dân công sở ngó ngay đến cách sinh hoạt làm việc của một ai đó họ biết đang hành nghề tự do và họ… âm thầm thở dài.
Có lẽ một anh văn phòng khó có thể tám chuyện cà phê thoải mái với một tay freelancer, nếu không có chuyện cùng bắt tay làm ăn. Dân hành nghề tự do chỉ cần nhanh nhẹn, có nhiều kỹ năng mềm lẫn quỹ thời gian rộng là đã có việc, so với những đòi hỏi oái oăm của dân văn phòng như “cần tối thiểu 5 năm kinh nghiệm, thông thạo 3 ngoại ngữ và sẵn sàng làm thêm ngoài giờ và cuối tuần”.
Họ cũng chẳng cần có mặt 8 tiếng mỗi ngày ở công ty hay phải tính toán so đo từng ngày phép cũng như không lo dậy muộn hoặc phải ăn mặc thế nào. Con số thống kê cho thấy dân số hành nghề tự do ngày càng tăng, tức nỗi ám ảnh so sánh đối với những công chức văn phòng càng lớn, bên cạnh vô số áp lực đè lên họ cho đến lúc… nghỉ hưu.
Ngoài ám ảnh freelancer, những “dân cổ cồn trắng” hiện đại của ta còn phải định hình lại phong cách sống và làm việc trước các cơ hội mới của thế giới phẳng. Trong số 90.000 người nước ngoài đến Việt Nam làm việc có đến 69% là dân văn phòng chính hiệu. Cũng may là trong nhóm này nam nhiều hơn nữ, đó lại là van giải áp cho cánh đàn ông công sở Việt về ăn mặc, phong cách làm việc và cả vụ chia lửa “đối phó” với phái nữ.
Quan trọng hơn chính là có cơ hội được làm việc trong môi trường đa quốc gia cũng mang lại nhiều tâm lý cởi mở, năng động hơn và xu hướng làm việc toàn cầu trong thế giới phẳng là một cánh cửa giảm bớt áp lực giam mình trong 4 bức vách của chốn văn phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.