Đà Giang thương gia Hạm đội

08/11/2009 10:32 GMT+7

Không còn thấy cảnh từng đoàn thanh niên người Mông đeo súng kíp, cảnh các thiếu nữ người Mường xúng xính váy áo, đeo đài bên hông xuống chợ, cũng không còn hình ảnh người vợ và đám con ngồi bên góc chợ đến xế chiều chờ chồng tỉnh giấc sau cơn say.

Cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng tình người Tây Bắc và những nét riêng độc đáo trong bán, mua ở chợ vùng hồ sông Đà vẫn còn rất nhiều.

Không chỉ là mua, bán

Đêm ấy, xuồng máy đưa chúng tôi theo chân đoàn thuyền buôn theo sông Đà cập bến ở điểm chợ Bờ thuộc xã Thung Nai, Hòa Bình. Cách bờ vài chục mét, mọi người đổ dồn ra phía mũi thuyền, màn đêm  tĩnh lặng bỗng bị xé toang bởi một hồi còi dài từ con tầu buôn, âm thanh vút lên thay cho lời chào thân thiện từ những người miền xuôi gửi đến người miền ngược.

Xuyên qua màn sương mỏng manh đang ôm ấp mặt hồ, qua ánh sáng của những bó đuốc đỏ rực trên bờ, chúng tôi nhận ra từng tốp người Mông, người Mường với trang phục sặc sỡ tấp nập trên bến sông chờ thuyền về.

Xa hơn một chút, một đám thanh niên trên lưng gùi rọ đầy lá, đang dắt xuống bến vài con lợn thân mình dài ngoẵng.

Thuyền cập bến trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng hò reo, tiếng vỗ tay rào rào của bà con vùng hồ. Các tiểu thương khẩn trương đi san đất, đóng sẵn cọc lều cho phiên chợ sáng mai.

Mấy con lợn bắt đầu được bà con dân tộc mang ra hóa kiếp. Thịt lợn Mường Hòa Bình là một trong những đặc sản có tiếng của Tây Bắc nên tiểu thương nào cũng cố tranh mua chút ít để cải thiện bữa ăn.

Một loáng, đống thịt lợn mới xẻ ra ngồn ngộn trên lá những tầu lá chuối chỉ còn lại xương, ít bì mỡ và bộ lòng. Những gì còn lại sẽ là nguyên liệu cho đại tiệc chợ vùng hồ đêm nay.

Đống lửa thật to được đốt lên trên bãi đất giữa chợ đẩy lùi bóng đêm. Gió từ lòng hồ thổi vào xua tan cái nóng quanh quẩn đêm Đà Giang những ngày hè. Chảo thịt mỡ thơm phức sôi sùng sục trên bếp lửa. Mía, ngô, khoai được vùi vào đống than hồng, cùng rượu ngô rót tràn bát.

Lần lượt mỗi người thưởng thức miếng thịt lợn nóng hổi, ngọt đậm, cay nồng các loại gia vị rừng. Rồi uống cạn bát rượu ngô trong tiếng nói cười rộn ràng. Bên đống lửa cháy rực chiếu sáng những khuôn mặt bắt đầu ửng đỏ.

Nguyễn Văn Thẽn, chàng trai Mường vừa tự tay mổ hai con lợn, nói: “Nhà tao ở bản Mu, cách đây không xa đâu. Tuần nào chợ họp, tao cũng xuống từ chiều hôm trước để gặp bạn, chơi chợ. Mai, lúc nào bạn đi, tao mới về”.

Trong vòng tròn người ngồi quanh đống lửa, ngoài bà con người Mông, người Mường trong bản, còn có rất nhiều chủ thuyền, tiểu thương, du khách.

Khi đã no cái bụng, rượu cũng đủ say, lại thêm náo nức vì chợ hôm nay có nhiều em gái Mường nồng nàn trong điệu xòe song sậm, một nhóm anh cu Tỷ bắt đầu những điệu múa khèn độc đáo.

Khi sương đêm sà vào lòng người, rượu dần cạn, đống lửa dần tàn và con mắt cũng trùng xuống. Có người tìm một lán chợ nào đó ngủ tạm, có người nằm ngay cạnh đống lửa. Nhiều người chia thành từng nhóm nhỏ ngồi bên nhau tâm tình thủ thỉ chờ trời sáng.

Phở kèm cơm nắm

Hơn bốn giờ sáng, tại bến Thung Nai, khi màn sương còn chùng chình phủ tấm áo lên khắp núi rừng Tây Bắc, chúng tôi choàng tỉnh giấc vì tiếng rống thảm thiết của đàn gia súc, những thương gia chuyên thịt lợn, thịt trâu bắt đầu chọc tiết ngay tại bến tàu. “Chợ bắt đầu họp rồi”, chủ tàu Đà Giang kêu lớn.

Hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh bà con dân tộc mở nắm cơm ra cho thêm vào bát phở nghi ngút khói vẫn không thay đổi trong mỗi phiên chợ vùng hồ.
Từ trong các khoang tàu, đám cửu vạn chạy chợ hối hả cõng trên vai những kiện hàng lên bờ. Từ trong các thung lũng, hẻm núi, cánh rừng, bà con các dân tộc vùng cao với đủ loại trang phục sặc sỡ ùn ùn kéo về phiên chợ.

“Mở hàng đi nào, noọng, ún, eng ơi?”, những tiếng mời, tiếng rao hàng bằng đủ các thứ tiếng Mường, Thái, Dao, Mông.

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy anh Nguyễn Minh Dũng, bán đồ điện tử có thể chào hàng, giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Mông, Mường và Thái một cách lưu loát, hấp dẫn.

Các bà mế địu những rọ chứa đầy măng, rau rừng và gà. Bố dắt chú ngựa trên lưng thồ hàng và anh cu lớn. Mẹ địu em bé. Cả nhà cùng đi chợ tuần một phiên.

Đến chợ, điểm dừng chân đầu tiên của bà con sẽ là hàng phở. Hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh bà con dân tộc mở nắm cơm ra cho thêm vào bát phở nghi ngút khói vẫn không thay đổi trong mỗi phiên chợ vùng hồ.

Thiếu nữ Bùi Thị Sung - người dân tộc Mông, thủ thỉ: “Phở ngon lắm, nhưng ăn nguyên phở thì không no. Em mang cơm nắm từ nhà ăn no bụng để lát nữa chợ xong còn đi bộ về nhà. Nhà cách đây xa lắm mà”.

Anh Tư Béo, bán phở chợ chạy hơn 10 năm, cho hay bà con vùng cao đi chợ đường xa nên phải ăn uống, mà họ ăn rất nhiều, rất khỏe. Thông thường ai vào ăn phở cũng phải mang theo nắm cơm to tướng. Phở ăn kèm cơm nắm là món ăn sành điệu của các dân tộc Tây Bắc.

Cả nhà thưởng thức ngon lành xong bát phở, chị vợ bắt đầu đi mua sắm những thứ cần thiết cho sinh hoạt gia đình như mắm, gia vị, đồ khô, vải vóc. Các anh cùng mấy đứa nhỏ sà vào các hàng tạp hóa, hàng thuốc lào. So với cách đây chục năm, bây giờ bà con Tây Bắc bỏ thuốc lào nhiều rồi, nhưng đây vẫn luôn là mặt hàng đặc trưng không thể thiếu của chợ lòng hồ.

Anh Hà Mạnh Giáp - dân tộc Mường: “Những lúc mệt, lúc buồn, hút thuốc lào có thể giúp đầu óc sảng khoái hơn, lại còn giúp đồng bào tránh xa được cây thuốc phiện đó”.

Qua hàng thuốc lào, điểm dừng chân tiếp theo của các anh sẽ là hàng sửa đồng hồ. Không phân biệt nam hay nữ, nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy có một tỉ lệ rất lớn số người xuống chợ dùng đồng hồ đeo tay. Cửa hàng đồng hồ không ít, nhưng lúc nào cũng thấy có khách đứng chờ nườm nượp vòng trong, vòng ngoài.

Bà con xuống chợ đã biết dùng ví da, điện thoại di động trong bao da đeo ở thắt lưng. Chúng tôi thấy gần nửa số người đi chợ tìm đến hàng thuốc tây để mua thuốc bổ, để nhờ tư vấn cho sức khỏe.

Đã quen với những phiên chợ vội vàng nơi vùng hồ này nên bà con thường mua bán rất nhanh, ít kỳ kèo mặc cả. Điều thú vị mà chúng tôi nhận ra rằng, có rất nhiều người tới chợ không phải để mua hàng mà chỉ đi xem, đi chơi.

Hạm đội thương gia

Cứ vào ngày 9, 19 và 29 hằng tháng là hạm đội thương gia lại rú còi tàu rời cảng Bích Hạ - Hòa Bình đi mở chợ. Mỗi chuyến chợ thường kéo dài gần chục ngày, cập bến gần 10 chợ ven sông. Đó không chỉ là tàu, là chợ, mà còn là những đại siêu thị đi dọc sông Đà.

Ngồi chót vót trên tầng hai của con tàu hai tầng chất đầy hàng hóa, Lê Mạnh Hải, chủ thương thuyền mang tên Hải Giang, niềm nở mời chúng tôi vào nhấm nháp cốc bia hơi với nem chua chấm tương ớt: “Ngày trước, mỗi chuyến mỗi tàu chỉ dám cõng từ vài tấn đến chục tấn cả hàng và người mà còn lo ế. Hai năm lại đây, mỗi chuyến, mỗi tàu cõng ngót nghét trăm tấn “.

Theo chủ tàu Hải Giang, khi chưa có thủy điện Hòa Bình, để cung cấp hàng hóa cho các bản làng vùng cao Tây Bắc, chỉ có thuyền buôn nhỏ bé luồn lách qua những thác ghềnh của sông Đà mà đi.

Những chuyến đánh cuộc với thiên nhiên như vậyphải mất hàng tháng trời mà rất nguy hiểm, nguy cơ thuyền đắm, thuyền chìm, mất của, mất mạng luôn thường trực.

Từ khi có đập thủy điện, sông trở thành lòng hồ mênh mông thì hạm đội thương gia hình thành. Ban đầu chỉ bán gạo, muối, thịt, trứng, con giống, nông cụ sản xuất. Dần dần bà con người Thái, Mường, Dao, Mông từ các mỏm núi của Hoà Bình, Sơn La có đời sống kinh tế khá hơn thì họ cung cấp những mặt hàng đồ điện tử, chăn màn, thuốc tây.

Bây giờ bà con thích đặt mua thứ gì họ mang lên thứ ấy vào phiên chợ sau. “Nói thật với bác, nếu bà con có nhu cầu mua ôtô vài trăm triệu đồng, chúng em cũng có thể đáp ứng”, chủ thương thuyền Phù La nói.

Trước đây, khi nhu cầu mua bán chưa cao, buôn bán chưa thành lệ thì mạnh tàu nào, tàu ấy làm, muốn buôn thứ gì thì buôn, chẳng có quy định. Từng xảy ra những trận kịch chiến giữa các tàu về hiện tượng lấn sân, tranh khách, phá giá.

Sau khi hạm đội lên đến hơn chục chiếc, thấy chuyện buôn có bạn, bán có phường là cần thiết, các chủ tàu mới bàn bạc chuyện phân chia thị phần. Tàu Hải Giang hàng tiêu dùng và chuyên nông cụ. Tàu Phù La là “nhà phân phối xe máy, xe đạp và đồ điện tử”. Tàu Tấn Giang là giường tủ, bàn ghế, salông, chăn màn. Có tàu là thế giới thuốc tây, phông bạt, dây, sim thẻ điện thoại.

Tầng hầm của thương thuyền là nơi chứa hàng và chứa cả chủ hàng. Trong khoang tàu có hàng chục chủ hàng. Người nằm ngủ mê mệt sau một chặng đường dài, kẻ hối hả ăn cơm bên chiếc bếp gas mini đang xào nấu món ăn còn nghi ngút khói.

“Mỗi chỗ như vậy chúng tôi thu 300.000 đồng. Hàng hóa bình quân mỗi người có 1-2 tấn. Hàng cồng kềnh thì thu giá khác nhỉnh hơn độ vài chục ngàn/tấn. Khoang thuyền được ngăn ra cho 20-30 thương gia”, chủ tàu Hải Giang nói.

Thương gia Hà Đức Đương, người Văn Lang - Phú Thọ chuyên cung cấp gia súc, gia cầm từ ba năm qua trong hạm đội - cho biết, mỗi chuyến chợ, anh đưa lên ba con trâu, năm con bò, 10 con lợn. Cứ đến chợ nào là xẻ thịt ngay để “bà con có chút thịt tươi đến từ miền xuôi”.

Tự nhận mình là thương gia nhỏ, vậy mà mỗi vòng chợ 10 ngày anh Đương cũng kiếm khoảng 2,5 triệu đồng. Một tháng ba vòng, anh bỏ túi gần tám triệu đồng.

Mỗi tàu trong hạm đội thương gia đều phân chia cấp bậc rạch ròi, chủ tàu, thuyền trưởng, thương gia và cửu vạn. Tàu nào cũng có cửu vạn riêng và được chủ trả lương 100.000 đồng/ngày với nhiệm vụ bốc vác số hàng hóa của thương gia lên, xuống các phiên chợ.

Cứ như vậy, mỗi tháng ba phiên. Chợ nổi dọc sông Đà là hoạt động kinh tế, văn hoá vô cùng quan trọng trong đời sống của bà con đồng bào dân tộc Tây Bắc, đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ của những thương gia gắn với sông nước. Hình như không ai xem đồng hồ nhưng, đến 9 giờ 30 phút sáng, cả chợ ven sông lại rùng rùng chuyển mình: Chợ tan!

Chẳng ai níu kéo, kỳ kèo. Đám đàn ông đi chơi chợ đã vằn đỏ đôi mắt vì hơi rượu, khói thuốc lào. Đàn bà con gái xúng xính trong bộ quần áo vừa mua xong mặc ngay tại chợ. Những cánh áo rực rỡ của các dân tộc lại lẫn nhanh vào mây núi.

Đám cửu vạn lại huỳnh huỵch vần những kiện hàng bán dở xuống thuyền. Hạm đội thương gia sẽ lại khai phiên chợ ở bến Là Giòn. Sau đó là Bắc Ngà, Chim Vàng, Bản Phố, Sông Ngâm dọc sông Đà.

Những chiếc thương thuyền của hạm đội thương gia lại bắt đầu rẽ nước đến những bản làng xa xôi hẻo lánh ven sông. Chợ tan, thuyền rời bến Thung Nai để di chuyển đến điểm chợ ngược về phía mạn Sơn La. Đoàn người ngược theo dốc núi về bản.

Người mang vác hàng khệ nệ. Người thong thả đi không. Thỉnh thoảng có người ngoái đầu lại nhìn đoàn thuyền đang nhổ neo rời bến với ánh mắt lưu luyến. Mong một tuần sẽ trôi qua nhanh để lại được xuống chợ.  

Theo Nguyễn Đức Tiến /
Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.