Da giày có chớp được cơ hội ?

22/07/2013 03:25 GMT+7

Tại hội thảo “Cơ hội ngành da - giày Việt Nam trong việc tiếp cận Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu (FTA) Việt Nam - EU” do Bộ Công thương, Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) vừa tổ chức, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso, cho biết hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp (DN) da giày, hằng năm đóng góp 7-8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam đang là nước xuất khẩu sản lượng giày lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc).

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 8,76 tỉ USD (chiếm 7,6% kim ngạch XK cả nước và chiếm 10,5% kim ngạch XK công nghiệp). Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, giày dép XK đạt gần 4 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện Việt Nam đang đàm phán Hiệp định TPP và FTA dự kiến áp dụng từ giữa năm 2014. Theo đó, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam sẽ có lợi thế khi thuế nhập khẩu vào Mỹ và một số nước có tham gia TPP chỉ còn bằng 0 hoặc gần như bằng 0, thay vì phải chịu mức thuế từ 17 - 30% như hiện nay.

Xuất khẩu da giày có thể gia tăng khi Hiệp định TPP được thực hiện - d
Xuất khẩu da giày có thể gia tăng khi Hiệp định TPP được thực hiện - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Cùng với dệt may, giày dép là nhóm hàng có thể gia tăng kim ngạch XK vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không nên quá kỳ vọng vào TPP vì có những rào cản kỹ thuật hay kiện phòng vệ thương mại mà Mỹ thực hiện sẽ có thể vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan nói trên. Bên cạnh đó, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP.

Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng để được hưởng thuế suất ưu đãi thì vấn đề đáp ứng được yêu cầu xuất xứ là không hề dễ dàng. Thông thường, các quốc gia nhập khẩu chấp nhận nước sở tại sử dụng 60% nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên, nhưng vùng nguyên liệu chính của Việt Nam hiện nay lại không nằm trong nhóm TPP (rất nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, trong đó có da giày đều phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc - mà đây là nước chưa tham gia TPP nên sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan từ các nước TPP như XK vào Mỹ). Ngoài ra, theo các chuyên gia, đa số DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu làm ăn theo phương thức gia công. Nếu TPP có hiệu lực thì chỉ có lợi trong việc tạo điều kiện việc làm ổn định cho người lao động, còn những lợi thế khác sẽ không đáng kể.

Mai Phương

>> Dệt may, da giày gặp khó
>> Triển lãm da giày quốc tế 2013
>> Việt Nam xuất khẩu lô xe du lịch Mazda đầu tiên sang Lào
>> Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu
>> Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao xuất khẩu
>> Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU
>> Sản xuất thép tăng nhờ xuất khẩu
>> Cơ hội mới cho xuất khẩu vào châu Âu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.