Dệt may, da giày gặp khó

20/06/2012 03:00 GMT+7

Dẫn đầu trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng lúc này nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ gục ngã

Các dây chuyền sản xuất cầm chừng, số lượng công nhân chỉ còn hơn 100 người (giảm gần một nửa so với trước đó), Tổng giám đốc Công ty may B.H (Gò Vấp, TP.HCM) đang chạy đôn chạy đáo tìm đối tác để tiếp tục duy trì sản xuất hoặc bán luôn công ty. Ông bảo thực tâm không muốn bỏ đi công ty đã gầy dựng hơn chục năm qua nhưng giờ không còn đủ sức để duy trì. Lãi suất ngân hàng, chi phí lương, chi phí nguyên liệu, những đơn hàng bị cắt… đã vắt kiệt sức chịu đựng của ông. Tuy nhiên, ông cứ dặn đi dặn lại là không muốn lên mặt báo vì “nếu nghe khó khăn thì còn ai dám đến để bàn chuyện với mình nữa”.

 Dệt may, da giày gặp khó
Đơn hàng giảm, doanh nghiệp tập trung nâng cao quản lý, hạn chế sản phẩm bị lỗi -  Ảnh: D.Đ.M

Cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Công ty may M.C (Hóc Môn, TP.HCM) đã chuyển sang việc cho thuê nhà xưởng gần cả năm nay. Bà chủ DN này không muốn nhắc tới "nỗi đau" này dù bà biết, việc cho thuê lại nhà xưởng, so với việc phá sản của hàng loạt công ty khác, vẫn còn là may mắn.

Không chỉ có những DN nhỏ mới gặp khó khăn chồng chất. Công ty xuất khẩu giày da Liên Phát (Dĩ An, Bình Dương) cho biết đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 15%. Lúc trước công ty này có hơn 2.000 công nhân nhưng hiện giờ chỉ duy trì ở mức gần 1.100 công nhân. Bà Trương Thị Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát, khẳng định: “Những DN gia công nhỏ lẻ của ngành da giày bị phá sản gần hết. Tuy nhiên họ rất ngại nói ra. Điều này có thể hiểu được vì trước đây những DN lớn trong ngành da giày, may mặc khi có đơn hàng dồi dào đều chuyển sang cho những DN nhỏ “vệ tinh” để gia công. Tuy nhiên, hiện nay các DN lớn đều thu hồi đơn hàng và tự mình sản xuất nên DN nhỏ khó tồn tại”.

 

Không dễ mở thị trường mới

Theo Hiệp hội Da giày TP.HCM, đơn hàng xuất khẩu đang giảm 30-40% và các DN vừa và nhỏ là những đơn vị gánh chịu đầu tiên. Trong khi đó việc mở rộng xuất khẩu sang những thị trường mới hiện nay không dễ, nhất là những thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Còn những thị trường dễ tính hơn như thị trường châu Phi thì vấn đề thanh toán có nhiều rủi ro nên DN trong nước cũng không thể thực hiện.

Doanh nghiệp lớn co cụm

Theo các DN, đơn hàng cho cuối quý 3 đến hết năm hầu như chưa có, trong khi thông thường đơn hàng xuất khẩu phải được ký trước từ 6 tháng đến 1 năm để chuẩn bị tổ chức sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhận định: DN hầu hết đều co cụm lại và ráng cầm cự vì họ vẫn hy vọng “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Thậm chí có DN phải chấp nhận những đơn hàng có giá trị thấp, làm hòa vốn để giữ chân công nhân. Bởi vậy không thể có chuyện DN lớn đưa hàng ra ngoài gia công như trước đây.

Tình trạng giảm đơn hàng trung bình 20-25% đang diễn ra ở hầu hết các DN xuất khẩu may mặc, da giày… Nguyên nhân là thị trường châu Âu, thị trường truyền thống lớn nhất của những ngành xuất khẩu nói trên của VN, sụt giảm nhu cầu vì vẫn đang trong cơn khủng hoảng kinh tế - tài chính. Đến thời điểm này, không ai có thể dự báo trước được khi nào số lượng đơn hàng từ thị trường này mới có thể hồi phục như trước. Điều quan trọng nhất, theo ông Phạm Xuân Hồng, khi đơn hàng càng ít thì đối tác càng tập trung đưa vào những DN lớn để đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng,… Vì vậy các DN vừa và nhỏ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu cho thời gian tới.

Bà Trương Thị Liên phân tích: Đối tác nước ngoài kiểm tra chất lượng ngặt nghèo hơn lúc trước. Trong khi đó, có những chủ hàng muốn giảm giá thành sản phẩm nên giảm chất lượng vật tư. Điều đó khiến cho tỷ lệ lỗi về kỹ thuật trong khâu sản xuất dễ tăng lên. “DN VN chỉ là đơn vị gia công nên không kiểm soát được nguyên phụ liệu do đối tác chuyển sang. Vì vậy bắt buộc chúng tôi phải tập trung quản lý, hạn chế sản phẩm lỗi để giảm chi phí quản lý và chi phí tái chế. Những khó khăn hầu như đều tập trung vào nhà sản xuất giày”, bà Trương Thị Liên nói.

Mai Phương - Chí Nhân

>> Đời sống công nhân da giày: Khốn khó trăm bề - Bài 1: Điệp khúc "co kéo, chắt bóp
>> Công nhân bị dọa cho nghỉ việc vì đình công
>> Công nhân Canon Việt Nam đình công đòi tăng lương
>> Doanh nghiệp, công nhân điêu đứng: Giảm thuế để giải cứu
>> Cần gấp rút giải cứu doanh nghiệp
>> Nhiều chủ DN nước ngoài trốn về nước
>> Tìm việc cho người lao động

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.